Chuyên mục  


Cô gái 28 tuổi ở tỉnh Hà Nam chụp cho các khách hàng muốn ghi lại khoảnh khắc kết thúc cuộc hôn nhân, thể hiện cảm xúc buồn bã hoặc hạnh phúc.

Tan tiếp nhận trường hợp ly hôn do người vợ không thể chịu đựng mâu thuẫn với gia đình chồng trong khi bạn đời của cô quá bận rộn với công việc. Họ thuê Tan đến nhà hàng nơi diễn ra buổi hẹn hò đầu tiên. Khi cả hai gọi vài món kỷ niệm, ngồi đối diện nhau lặng im, Tan bắt đầu chụp.

"Cuối buổi cả hai đều khóc", cô kể.

Ý tưởng chụp người ly hôn nảy ra khi Tan trông thấy hàng dài người xếp hàng ở văn phòng Dân chính để chờ nộp đơn. Năm ngoái, cô đã phục vụ hơn 30 khách hàng, trong đó nữ chiếm đa số.

"Đây là công việc tốt, dù sao niềm vui hay nỗi buồn đều xứng đáng được ghi lại", cô nói.

Đôi vợ chồng ngồi câu cá ở con kênh thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: CNN

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang giảm mạnh từ 13 triệu cặp năm 2013 xuống dưới 7 triệu vào năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1985, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Trong khi đó, số vụ ly hôn đã tăng vọt đạt mức kỷ lục 4,7 triệu vào năm 2019, gấp hơn bốn lần so với hai thập kỷ trước.

Chính phủ đang cố gắng đảo ngược xu hướng này bằng cách ban hành luật mới vào năm 2021, tòa yêu cầu vợ chồng phải trải qua khoảng thời gian "giãn cách" để suy nghĩ 30 ngày trước khi ly hôn. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn vẫn tăng 25% vào năm ngoái.

Ly hôn từng bị xem là điều đáng xấu hổ trong xã hội Trung Quốc, nơi đề cao sự gắn bó và ổn định gia đình. Tuy nhiên, người trẻ hiện đang chọn không kết hôn. Và khi đã kết hôn, họ dễ chấp nhận tan vỡ hơn thế hệ trước.

Peng Xiujian, nghiên cứu sinh lĩnh vực nhân khẩu học ở Đại học Victoria (Australia) cho biết sự thay đổi phản ánh thế hệ trẻ ưu tiên tự do cá nhân và phát triển sự nghiệp.

"Họ không muốn ở lại trong hôn nhân không hạnh phúc chỉ vì hình thức hay nghĩa vụ", Peng nói.

Do đó, một số doanh nghiệp bắt đầu có thêm dịch vụ giúp các cặp ly hôn hủy bỏ kỷ vật. Liu Wei là giám đốc nhà máy cách Bắc Kinh 60 km, nơi chuyên xử lý ảnh cưới bằng máy.

Ảnh được phun sơn để bảo mật khuôn mặt vợ chồng, trước khi bị ném vào máy nghiền cùng các kỷ vật khác. Họ cũng ghi hình toàn bộ quá trình gửi cho người ly hôn để họ cảm thấy hôn nhân thật sự kết thúc và tiến về phía trước.

Dịch vụ của Liu có giá 8-28 USD, đã phục vụ 2500 đôi vợ chồng trong ba năm.

Chuyên gia kinh tế Gary Ng ở ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) nói khó dự đoán quy mô thị trường và tiềm năng của ngành dịch vụ ăn theo ly hôn. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ ly hôn tiếp tục tăng sẽ đồng nghĩa nhiều hoạt động kinh tế xung quanh phát triển.

Tan đã nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh. Kế hoạch mới nhất của cô là thu hút các khách hàng cũ nếu định mệnh đưa họ quay lại với nhau.

"Tôi sẽ giảm giá 18% nếu hai người tái hôn và yêu cầu tôi chụp ảnh", cô nói.

Ngọc Ngân (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020