Chuyên mục  


screenshot-2024-09-22-at-182120-17270042706291154232135.png

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ trong tọa đàm - Ảnh: HỒ LAM

Chiều 22-9, tại Không gian cà phê thứ bảy trẻ diễn ra buổi trò chuyện về chủ đề Truyện kể dân gian Nam Bộ với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Ông Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ với người nghe những diện mạo chung của kho tàng truyện dân gian ở Nam Bộ, vùng đất có tuổi đời trên dưới 300 năm.

Truyện về thú dữ phản ánh chân thực buổi đầu khẩn hoang ở Nam Bộ

Trong Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ - Truyện kể dân gian Nam Bộ, quyển 1 do tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Phạm Thiếu Hương biên soạn, căn cứ vào lịch sử, tính chất đặc thù của từng thể tài mà ông Huỳng Ngọc Trảng chia truyện kể dân gian Nam Bộ thành 12 loại.

Theo đó, bao gồm: sự tích thần kỳ và hoang đường; cổ tích; truyền thuyết địa danh và thôn làng; truyền thuyết thú dữ; truyền thuyết lịch sử thuộc thời Chúa Nguyễn, Tây Sơn và nhà Nguyễn; truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa chống Pháp;

Truyền thuyết về chư tăng và các ông Đạo; giai thoại văn nghệ; cố sự thời thuộc địa; truyện ngụ ngôn; truyện cười; truyện Trạng.

base64-1727004380685758206508.jpeg

Tổng tập văn học dân gian Nam bộ - Ảnh: HỒ LAM

Ông Trảng nhận định thể loại truyền thuyết, giai thoại chiếm đại đa số trong kho tàng truyện dân gian Nam Bộ.

Chúng tồn tại như những ký ức lịch sử về những người thật việc thật, và ngay cả những yếu tố hư cấu, hoang đường cũng mặc nhiên được coi là thật:

"Chúng luôn luôn là những câu chuyện có tính chỉ định về tên người, tên đất, mối quan hệ với các biến cố lớn lao của làng xã, địa phương từ quá trình chinh phục tự nhiên đến những cuộc đấu tranh xã hội và chống ngoại xâm".

Một trong những loại truyện kể tiêu biểu cho công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ là tập hợp chuyện kể về thú dữ: sấu, rắn, trâu hoang, heo rừng và đặc biệt là truyền thuyết, giai thoại về cọp.

"Các truyện về thú dữ phản ánh rõ rệt quá trình lịch sử của buổi đầu khẩn hoang từng địa phương ở Nam Kỳ lục tỉnh. Theo tôi, chúng là một tập hợp mỹ lệ nhất trong kho tàng truyện dân gian Nam Bộ" - ông Trảng nói.

Theo ông Trảng, không chỉ ở Cà Mau mà ở miệt trên có câu: "Dữ như cọp Vườn Trầu" (Hóc Môn), "Ác như sấu Vũng Gấm" (Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai) và ở vùng đất giữa sông Tiền, sông Hậu, trấn Vĩnh Thanh.

Còn tác giả sách Gia Định thành thông chí có ghi nhận: "Xứ này có nhiều sấu và cọp dữ".

Niềm hy vọng về sự thay đổi của thời cuộc

Bên cạnh truyền thuyết thú dữ, truyện về cuộc khởi nghĩa chống Pháp cũng được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhắc đến như một giá trị đẹp đẽ mà thế hệ đời trước để lại cho đời sau.

Theo ông Trảng, trong những năm cuối thế kỷ XIX, nhiều biện sự ứng hợp với các giai đoạn lịch sử cụ thể, các câu chuyện về những người anh hùng kháng Pháp lại bị chi phối bởi những tín niệm cơ trời, vận trời.

Đối với người dân Lục tỉnh, tác giả những truyền thuyết và giai thoại kháng Pháp lại lý giải theo cách riêng của họ: đất nước đang hồi bĩ cực, cơ trời chuyển xoay như vậy nên phải vậy.

Những "rủi ro lịch sử" được nhắc đến như một sự kiện quan trọng nhằm lý giải sự thất bại của các cuộc kháng chiến khác nhau.

“Thành Định Tường thất thủ vì bỗng nhiên trời đổ mưa làm hỏng chiến thuật hỏa công của quan quân triều đình. Hay Thiên Hộ Dương lập căn cứ ở Đồng Tháp Mười đã cho dưỡng cỏ dại quanh đồn.

Giặc tấn công, Thiên Hộ Dương cho đốt cỏ làm giặc thiệt hại nặng, nhưng trời nổi dông gió làm chuyển hướng tạt lửa cháy vào đồn” - ông Trảng nêu ví dụ.

Ông Trảng cho rằng tác giả các câu chuyện dân gian chủ ý lấy những nguyên cớ “không lấy gì làm chính đáng” đều mong muốn khẳng định những anh hùng kháng Pháp không phải là không có tài năng mà vì lẽ “nhân định bất thắng thiên”.

“Và càng lý giải theo lẽ này tự nó cũng hàm chứa niềm hy vọng về sự thay đổi của thời cuộc” - ông Trảng cho biết.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020