Tác giả đoạt giải nhất - anh Nguyễn Hữu Nhân - nhận giải từ đại diện báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"Cuộc thi Tết xưa - Tết nay có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Là người gốc miền Tây, tôi luôn thích cái tết mộc mạc. Tết bây giờ cũng không hề chán, tết vẫn rất quan trọng với người Việt Nam chúng ta.
Huỳnh Minh Bảo Sơn (giải nhì - Cánh đàn ông xúm lại, đồng loạt hô "lên nêu")
Chiều 20-3, lễ tổng kết chương trình "Online cùng Tết Việt" và lễ trao giải cuộc thi "Tết xưa - Tết nay" diễn ra tại TP.HCM. Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Chỉ sau 35 ngày từ 15-1 đến 20-2, báo Tuổi Trẻ nhận được gần 1.500 email từ bạn đọc gửi đến. Tất cả đều là những câu chuyện, lời tâm sự rất chân thành, giản dị, đong đầy tình cảm. Có bạn đọc chia sẻ vui rằng bạn đã kêu gọi gia đình, họ hàng gửi tổng cộng 53 bài viết.
Trọn vẹn vòng tay sẻ chia
Bình luận trên báo Tuổi Trẻ, bạn đọc Phương Blue nhận ra tinh thần của diễn đàn: "Diễn đàn Tết xưa - Tết nay giống như cỗ máy thời gian vậy.
Mong báo Tuổi Trẻ duy trì hằng năm để bạn đọc được trở về, được sống lại những giây phút thân thương của mình bên người thân, bè bạn. Mỗi năm đi qua, chúng ta sẽ già đi, sẽ có thêm kỷ niệm nhưng khoảnh khắc vui tươi về tết vẫn còn đọng mãi. Rồi tết nay cũng sẽ trở thành tết xưa".
Bạn đọc Sao Khuê, người giành giải khuyến khích với bài viết "Nhớ cái bong bóng lợn", cũng bày tỏ bạn tham dự cuộc thi không phải vì giải thưởng mà vì "chủ đề hay và được chia sẻ nỗi niềm".
Vì tết đâu chỉ là một kỳ nghỉ, đâu chỉ là những chuyến ăn chơi. Tết chính là mùi vị của ký ức và hoài niệm. Tết là dịp để người ta nhớ về tuổi thơ, thời niên thiếu, thời thanh xuân tưởng như xa xôi nhưng ở ngay trong tâm trí mỗi người, hiện diện trong hình bóng người thân.
Tết không chỉ là niềm vui và những tiếng cười rộn rã. Tết còn là dịp để những nỗi buồn, mất mát, sự hối tiếc hiển hiện và được sẻ chia trong vòng tay gia đình, chứ không phải đào sâu chôn chặt để mỗi người lại phải cô độc với cảm xúc của mình.
Và đó là điều mà diễn đàn Tết xưa - Tết nay đã làm được: một vòng tay sẻ chia. Tuổi Trẻ xúc động khi nhiều bạn đọc đã coi trang báo như một người bạn thân thiết, trải lòng và tâm sự những điều gan ruột.
Đó là những suy nghĩ sâu lắng về gia đình, nỗi nhớ dành cho những người thân đã khuất, lòng thương yêu cha mẹ, ông bà mà thường ngày ít ai nói thành lời hay thể hiện nồng nhiệt.
Nước mắt và những nụ cười
Chắc hẳn nhiều giọt nước mắt đã rơi khi đọc bài viết của tác giả Đỗ Duy "Rồi má gói bánh, kho thịt gửi ai?". Anh kể về người má miệt mài kho thịt ngày tết cho các con, để rồi bà chợt nhận ra và khóc: "Hai anh mày trên bàn thờ hết rồi, má kho nhiều vầy rồi ai ăn? Sao bây không cản má?".
Tác giả Nguyễn Minh Thúy, du học sinh Canada, khiến người đọc rưng rưng vì câu chữ trong trẻo mà nặng trĩu gửi người bà đã qua đời:
"Ngày con ra sân bay, con chụp vội tấm hình với bà. Nhưng sau đó một thời gian, con đã xóa nó đi. Lý do nghĩ lại thật ngu ngốc, chỉ bởi ảnh đó con cười không đẹp. Con nói tết về con chụp nhiều tấm khác với bà. Nhưng rồi, tấm ảnh con xóa đi đó, chẳng ai ngờ được lại chính là tấm hình duy nhất mà bà cháu mình chụp chung suốt 18 năm trời".
Tác giả Gia Hưng - một học sinh, một người con hiếu thảo - lại khiến nhiều người mỉm cười khi viết về giao thừa của người mẹ là công nhân vệ sinh môi trường. Giao thừa hằng năm, Gia Hưng vẫn xin theo phụ mẹ. Nhưng đến năm nay mẹ bảo Gia Hưng ở nhà đảm nhận công việc thắp hương cho tổ tiên.
"Thật sự mình muốn đi theo để phụ mẹ, nhưng mẹ kiên quyết bắt năm nay mình phải ở nhà. Mẹ nói con trai của mẹ đã trưởng thành, đã đến lúc phải gánh vác những việc của một người đàn ông" - dòng chữ giản dị, cứng cỏi của cậu học sinh như thắp lên ngọn lửa ấm áp trong trái tim người đọc.
Và bài viết đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Hữu Nhân, "Tấm ảnh đầu năm", cũng là bài viết mang lại nhiều nước mắt, nụ cười nhưng trên hết chính là sự thôi thúc mỗi chúng ta hãy mau chóng gìn giữ kỷ niệm gia đình trong các bức ảnh. Rồi thời gian trôi, con người cũng già đi, kỷ niệm cũng phai nhạt nhưng ảnh chụp sẽ luôn giúp chúng ta nhớ về nhau.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu tại lễ trao giải: "Chương trình Online cùng tết Việt và cuộc thi Tết xưa - Tết nay là dịp Tuổi Trẻ nhường "đất", nhường cơ hội cho bạn đọc cùng tham gia viết bài trong những ngày tết.
Bạn đọc luôn có nhiều câu chuyện, nhiều cơ hội giúp chúng tôi làm phong phú trang báo, với những chất liệu cuộc sống mà phóng viên khó có được. Tết đã trở thành một nét văn hóa không thể thay thế được".
Hình ảnh là ký ức thời gian
Anh Nguyễn Hữu Nhân
Từ khi anh em tôi còn nhỏ, ba tôi đã tập cho cả nhà thói quen trước khi đi thăm viếng họ hàng, đi chơi, cả nhà đều tập hợp đầy đủ, chụp hình cho đẹp. Thói quen đó đeo đuổi tôi suốt cuộc đời. Cứ năm nào đến tết, ai làm gì cũng phải ghé chụp bức hình cả nhà.
Hình ảnh rồi cũng đi vào quá khứ, tết nay rồi đến tết xưa. Những bức hình là niềm tự hào của riêng dòng họ, gia đình tôi.
Tôi mong rằng tết năm nay đến năm sau, các em các cháu cũng nên chụp bức hình của cả gia đình, chứ đừng chỉ chụp riêng hình mình mà thôi. Những bức ảnh sẽ trở thành một kho tàng, một tài sản của gia đình và dòng họ. Tôi thấy cuộc thi rất ý nghĩa.
Nguyễn Hữu Nhân (giải nhất - Tấm ảnh đầu năm)
Hãy yêu thương gia đình hơn
Những ngày đầu tiên có ý định tham gia cuộc thi, tôi rất lo lắng và băn khoăn vì cuộc thi có tính cạnh tranh, quy mô lớn quá: không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, người ở nước ngoài hay ở Việt Nam đều có thể tham gia.
Khi bài thi được đăng lên báo Tuổi Trẻ Online, tôi rất vui và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ mọi người, từ bạn bè, thầy cô và cả những độc giả đang ở xa quê giống như tôi. Họ nói bài viết là một sự an ủi, động viên đối với họ. Tôi rất cảm động.
Mong mọi người hãy yêu thương gia đình mình hơn, hãy cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể bên những người yêu thương mình, không bao giờ quay lưng với mình, luôn sát cánh bên mình.
Ngày xưa, tôi là người vô tâm. Tôi không hay thể hiện cảm xúc như ôm ấp hay nói con yêu bố mẹ. Khi đi du học, tôi đã thay đổi. Chỉ khi xa gia đình, ta mới hiểu hết gia đình quan trọng thế nào.
Nguyễn Minh Thúy (từ Canada, giải ba - Chuyến bay chưa cất cánh)
Tôi rất thích tên cuộc thi "Tết xưa - Tết nay"
Khi tôi chia sẻ bài viết trên báo Tuổi Trẻ, mọi người vào chúc mừng nhiều. Cuộc sống luôn luôn vận động.
Tôi rất thích tên cuộc thi, "Tết xưa - Tết nay", giúp mọi người có thời gian lắng đọng lại xem trước đây mình thế nào, bây giờ mình ra sao. Sự chiêm nghiệm ấy cũng giúp mọi người nỗ lực để những cái tết về sau ngày càng tốt đẹp, đầm ấm hơn.
Trong thời gian sắp tới, ngành hàng không chưa thể phục hồi lại như trước đây. Tôi mong rằng mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường, tôi có thể bận rộn lại như xưa.
Dịp tết vừa qua, tôi được ở bên gia đình, lần đầu tiên ăn tết trọn vẹn bên gia đình. Thế nhưng, do COVID-19, tôi chưa thực hiện được ước mơ đi xuyên Việt.
Tiếu My (giải ba - Tâm sự của một tiếp viên hàng không)
TTO - Vào 16h ngày 20-3, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao giải cuộc thi "Tết xưa - Tết nay" tại nhà hàng Seefahrer, số 10B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.