Chuyên mục  


chan-dung-3-nghe-si-1-1726124929937792503114.jpg

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Lê Thiết Cương - Ảnh: NVCC

Trước thềm khai mạc triển lãm Mặt Khác - Otherwise ngày 13-9 tại Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hôm nay, 12-9, ba nghệ sĩ công bố toàn bộ tiền bán tác phẩm trong triển lãm này sẽ được đóng góp vào quỹ Bầu ơi thương lấy bí cùng, để gửi tới người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ sau bão số 3 những ngày qua.

"Trong mấy ngày qua, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu đau thương và mất mát của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc.

Xót xa lắm! Và rồi chúng tôi quyết định dự án nghệ thuật Mt Khác không còn là chuyện để chơi nữa, nó phải là hoạt động cụ thể để chung tay cùng cả cộng đồng khắc phục phần nào khó khăn, mất mát mà những người dân vùng bão lũ đang phải gánh chịu" - nhà điêu khắc Đinh Công Đạt chia sẻ.

tac-pham-cua-dinh-cong-dat-1-1726124929951694360796.jpg

Một số tác phẩm của Đinh Công Đạt - Ảnh: NVCC

Mặt phố, mặt chùa và mặt chợ

Mặt Khác - Otherwise là dự án nghệ thuật chung đầu tiên của ba người bạn văn nghệ gắn bó trong nhiều năm Lê Thiết Cương - Nguyễn Việt Hà - Đinh Công Đạt.

Triển lãm gồm 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, ba văn nghệ sĩ này cùng sáng tác trên chủ đề về Hà Nội phố, xoay quanh câu chuyện mặt phố, mặt chùa, mặt chợ.

Toàn bộ "phôi" mặt nạ do nhà điêu khắc Đinh Công Đạt làm, nguyên mẫu chính là gương mặt của ba văn nghệ sĩ trong dự án này.

Từ phôi này, Lê Thiết Cương vẽ và viết lên đó những câu kinh Phật, thơ thiền thời Lý - Trần, một số câu văn tựa kinh của Nguyễn Du, gọi là "mặt chùa".

Như những câu: "Khổ tập diệt đạo", "Ngũ uẩn giai không", "Phiền não tức bồ đề", "Niết bàn tại thế", "Tu ư gia tự tức chân tu", "Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền", "Hiện tại lạc trú"…

Nguyễn Việt Hà viết những câu văn tâm đắc của chính anh, chính là phần "mặt phố" của triển lãm.

Như: "Nát chữ tệ hại hơn nát rượu", "Đàn ông khi quá yêu thường bốc mùi chân thành", "Chúa ơi sao họ có nhiều tiền mà ai cũng giống hệt ai",

"Đã là dân phố cổ chẳng có ai đi tỏ tình quanh Bờ Hồ", "Quà Hà Nội ngon nhất lạ nhất vẫn phải là hàng rong"...

Còn Đinh Công Đạt vẽ những ô màu, những hoa văn họa tiết từ các con phố và món ăn quen thuộc, kể câu chuyện chợ ở phố cổ Hà Nội, gọi là "mặt chợ".

Anh vẽ và viết trên đó những tên phố, tên chợ, những món ăn vỉa hè gói bao tinh túy Hà Nội, từ cốm Vòng, xôi vò, bún riêu…

tac-pham-cua-le-thiet-cuong-1-17261249299431355273199.jpg

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương - Ảnh: NVCC

Những "con giai phố cổ" tri ân Hà Nội phố

Ba khuôn mặt, ba tính cách, ba nghề nghiệp, nhưng cùng chung một tình yêu với nơi họ sinh ra và suốt đời gắn bó.

Tuy vậy, các nghệ sĩ nhận triển lãm lần này cũng chỉ chạm được vào phần giản lược nhất của những con phố Hà Nội, những đời phố dài thăm thẳm.

Đối với họ, nói tới phố Hà Nội không chỉ đơn giản là phố dài bao nhiêu, phố được thiết kế thế nào, lịch sử hình thành…

nhung-tac-pham-mat-na-cua-nguyen-viet-ha-1726124929954717469492.png

Những tác phẩm mặt nạ của Nguyễn Việt Hà - Ảnh: NVCC

Bởi cái hồn Hà Nội không nằm ở các công trình vật chất hay tài sản hữu hình, mà chính là ở di sản văn hóa phi vật thể mà người dân nơi đây luôn trân trọng và gìn giữ, và chính là những khuôn mặt người trong phố tạo nên một thực thể văn hóa sống động.

Cho nên thứ mà Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà, Đinh Công Đạt quan tâm hơn khi nói về phố ấy là con người và số phận của những con người trên từng con phố cụ thể.

Chẳng thế mà một thời Hà Nội, mỗi con phố đều gắn chặt với một vài gương mặt đặc biệt của phố ấy được "dân gian" thừa nhận, gọi tên.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020