Nghệ nhân Phan Văn Chấn - vạn phó Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh kiểm tra công tác chuẩn bị kiệu Nghinh Ông - Ảnh: T.T.D.
Đến thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, hỏi thăm về ông Phan Văn Chấn ở Hội Vạn lạch hay Lăng Ông Thủy tướng, hầu như ai cũng biết về ông.
Bởi ông Chấn là một trong những nghệ nhân thường xuyên thực hiện các nghi thức, nghi lễ quan trọng trong khuôn khổ Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.
Bảo tồn Lễ hội Nghinh Ông nhưng không bảo thủ
Ông Phan Văn Chấn hiện là vạn phó Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh, được người dân địa phương gọi thân thương là Bác Ba hay Bác Ba Chấn.
Tính đến nay, ông Chấn có gần 25 năm gắn bó với Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh. Ông là người am tường, hiểu rõ các nghi lễ và là người đứng ra thực hiện các nghi lễ một cách bày bản, giữ được nét đẹp truyền thống của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đã có 111 năm hình thành và phát triển.
Một ngày như mọi ngày, ông Phan Văn Chấn dành nhiều thời gian ở Lăng Ông Thủy tướng để trông nôm, lau dọn bàn thờ, kịp thời xử lý những sự vụ có liên quan đến lăng.
Khi hỏi về Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ có gì đặc biệt so với các địa phương khác, ông Chấn kể vanh vách, chi tiết các nghi lễ truyền thống không thể thiếu. Đó là hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, viếng đền tưởng niệm Rừng Sác, lễ thượng đại kỳ, lễ mừng công ngư dân, thả đèn hoa đăng trên biển, lễ đưa rước Nghinh Ông…
Điểm đặc biệt của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là thời điểm diễn ra lễ hội đúng vào dịp rằm tháng tám (Tết trung thu), khác so với các địa phương khác. Ngoài ra chỉ có Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ mới có thả hoa đăng trên biển.
"Thả đèn hoa đăng trên biển phản ánh nét văn hóa độc đáo, biểu tượng cho cửa biển Cần Giờ, tri ân, tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong tử nạn, ngư dân gặp nạn khi vươn khơi bám biển phải nằm lại ở biển cả. Điều này thể hiện trách nhiệm của người còn sống đối với người mất, còn thể hiện tinh thần nhân văn" - ông Phan Văn Chấn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Bảo tồn nhưng không bảo thủ
Ông Chấn nhấn mạnh Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ trong lễ có hội, trong hội có lễ. Đây cũng là nét đẹp được duy trì bao đời qua, nhất là khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cách đây 11 năm.
"Bảo tồn như thế nào để không bảo thủ. Phát huy như thế nào để không mất gốc. Cái mới tô điểm lên cái cũ để truyền lại cho mai sau" - vạn phó Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh Phan Văn Chấn trăn trở.
Để những nghi lễ, nghi thức trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ không thất truyền, ông Phan Văn Chấn đã dày công soạn tài liệu lưu hành nội bộ.
"Trước giờ chỉ truyền miệng, cầm tay chỉ việc, không có văn tự. Tôi biên soạn tài liệu, trao lại cho thế hệ sau, để những thông tin về nghi thức, nghi lễ không cho mất nữa" - ông Chấn bộc bạch.
Ông Phan Văn Chấn thực hiện nghi thức cúng bạn cũ lái xưa - Ảnh: THANH TÂM
Thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ban hành đề án truyền dạy các nghi lễ, nghi thức để bảo tồn di sản.
Người đứng ra tập huấn cho Ban tế tự của các đình, chùa, miếu trên địa bàn huyện và những người yêu thích là ông Phan Văn Chấn.
Qua đó, người tham gia tập huấn hiểu hơn về thờ cúng Nghinh Ông, Nghinh Bà, các tập tục thờ cúng khác cho thế hệ tiếp nối.
"Ông Phan Văn Chấn có quá trình nghiên cứu các lễ hội rất sâu, có công biên soạn, bảo tồn các nghi lễ, nghi thức.
Ông là chủ lễ của một số nghi lễ chính ở Lăng Ông Thủy tướng như lễ cúng tiền hiền hậu hiền, bạn cũ lái xưa hay lễ xây chầu đại bội…
Ông chịu khó nghiên cứu, biên soạn nhiều tài liệu về Lễ hội Nghinh Ông và lễ hội của đình.
Ông còn là người cố vấn cho ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Hội Vạn lạch trong quá trình tổ chức với nhiều sáng kiến để lễ hội ngày càng tốt hơn".
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nhận xét về ông Phan Văn Chấn.