Nói về việc ông Nguyễn Thế Hồng - một doanh nhân ở Bắc Ninh mua thành công ấn vàng, chia sẻ với PV Dân trí ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay, đây là một tin rất vui, rất đáng trân trọng.
Ở Bắc Ninh có một nhóm chơi cổ vật hoạt động rất tốt. Nhiều năm nay, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với các Hội cổ vật ở Bắc Ninh, Hội cổ vật Nam Định để kêu gọi xã hội hóa việc mua cổ vật rất nhiều.
"Theo tôi, việc hồi hương bảo vật nói chung và ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" nói riêng là tốt, vì bảo vật sẽ được đưa trở về quê hương.
Lâu nay, chuyện tư nhân là các doanh nhân, đại gia Việt tham gia mua, đấu giá hồi hương cổ vật không nhiều, chủ yếu là trao đổi tình yêu cổ vật ở nội bộ trong nước, chưa có tính quốc tế", ông Nguyễn Tiến Đà cho biết thêm.
Ông Đà cho hay, người đấu giá trúng ấn vàng sẽ là người sở hữu cổ vật, còn sau đó, người ta có hiến nộp cho Nhà nước hay không là quyền của họ, nhưng người đấu giá là một người có trách nhiệm với đất nước.
TS Phạm Quốc Quân (trái) và TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu giữ tại Văn phòng hãng đấu giá Million (Ảnh: Bộ VHTTDL).
TSKH Lưu Trần Tiêu - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho hay, ông thấy vui vì thông tin ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" mua thành công và chuẩn bị đưa về Việt Nam.
"Thủ tục để đưa được ấn vàng về Việt Nam sẽ phải qua nhiều khâu, nhiều quy trình, nhưng ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" mua về phải được trưng bày, được bảo vệ nghiêm ngặt, không thể mua đi bán lại", TSKH Lưu Trần Tiêu cho biết.
Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết thêm, ở Việt Nam việc thành lập bảo tàng tư nhân phải dựa trên nhiều văn bản. Người thành lập phải đảm bảo về hồ sơ, giải trình về ánh sáng, khí hậu… thậm chí phải có các chuyên gia thẩm định giá trị các đồ cổ xem có đảm bảo tiêu chuẩn để làm một bảo tàng hay không? Dù vậy, hiện này nhà nước cũng đã có những quy định để hỗ trợ giúp các cá nhân yêu cổ vật cũng có thể mở bảo tàng tư nhân.
Chia sẻ với Dân trí, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) xác nhận, một người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", hiện phía Việt Nam vẫn đang hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương.
Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Million của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Theo đó, ông Nguyễn Thế Hồng là một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh. Ông có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm.
Ông đã thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình, cùng Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng năm 2022 với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tập, kinh doanh, trong đó có hoạt động môi giới, đấu giá.
Ông Hồng hiện là chủ nhân của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Đây là một bảo tàng tư nhân với nhiều cổ vật. Mới nhất, một hiện vật của bảo tàng này vừa được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt công nhận năm 2022 là chiếc thạp đồng văn hóa Đông Sơn.
Chiếc thạp này có một băng hoa văn trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong. Đàn thú 14 con này được tạo hình nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang đuổi theo nhau, tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động.