Chuyên mục  


Mọi chuyện xuất hiện sau khi có thông tin, tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip tăng phí bản quyền của Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) gấp 10 lần. 

Ngay lập tức, vấn đề đấu thầu bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ tại các quốc gia trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn sắc đẹp. Theo các chuyên trang, các quốc gia muốn sở hữu bản quyền cuộc thi này phải chi ra khoảng 5 triệu USD, con số bị nhiều người đánh giá là không tưởng. 

anne-1676185141525.jpg

Tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip (thứ hai từ trái sang) bên ba Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ 2022 (Ảnh: MU).

Bà Anne Jakapong Jakrajutatip là chủ sở hữu mới của Hoa hậu Hoàn vũ từ tháng 10/2022. Được biết, tỷ phú chuyển giới người Thái Lan đã chi ra gần 14 triệu USD để sở hữu tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Sau khi nắm trong tay bản quyền của một trong những cuộc thi sắc đẹp uy tín, nổi tiếng nhất thế giới, bà Anne liên tục thông báo về những cải cách trong khâu tổ chức cuộc thi và vận hành tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. 

Trong đó, bà Anne nhấn mạnh, từ mùa giải năm 2023, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ chấp nhận thí sinh đã lập gia đình, sinh con và người chuyển giới. Bà Anne mong muốn, Hoa hậu Hoàn vũ không chỉ là một cuộc thi nhan sắc mà còn là nơi để phụ nữ trên khắp thế giới thể hiện mình, đấu tranh vì quyền lợi của bản thân.

Tuy nhiên, không phải phần lớn những sự thay đổi của bà Anne đều nhận được sự ủng hộ của cộng đồng yêu mến các cuộc thi nhan sắc. Việc thay đổi trong đấu giá phí bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ được xem là cú sốc lớn nhất với cộng đồng theo dõi các cuộc thi sắc đẹp. 

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2022 bắt đầu có một số thay đổi trong format tổ chức và khiến khán giả không hài lòng (Ảnh: Getty Images).

Chỉ trong vài ngày qua, các tổ chức sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại các quốc gia đã chứng kiến nhiều thay đổi bất ngờ. Theo chuyên trang Sash Factor, ngày 8/2, công ty PT Capella Swastika Karya đã mở họp báo, tuyên bố mua thành công bản quyền cử thí sinh Indonesia tham gia Hoa hậu Hoàn vũ. Tin này khiến người bất ngờ bởi hơn 30 năm qua, bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia do tổ chức Puteri Indonesia (YPI) nắm giữ.

Mega Angkasa - trưởng bộ phận truyền thông của YPI bày tỏ sự bất ngờ trước quyết định này và khẳng định, họ đang chờ thông báo chính thức từ tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Angkasa cho biết, vào ngày 25/1, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ gửi thư thông báo cuộc đấu thầu gia hạn giấy phép từ năm 2023. YPI tố tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ chỉ cho họ 3 ngày làm việc, trong khi đề nghị phải trả phí cao gấp 10 lần con số cũ nếu muốn tiếp tục giữ bản quyền.

YPI đã chấp nhận mức giá này và tuân thủ yêu cầu của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Họ chờ đến ngày 7/2 để nghe thông báo chính thức nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Cuối cùng, bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Indonesia đã thuộc về tay công ty PT Capella Swastika Karya. Mega Angkasa tức giận cho rằng đã không có sự minh bạch trong quá trình đấu thầu.

Tổ chức Puteri Indonesia (YPI) bức xúc vì mất bản quyền tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia sau 30 năm gắn bó với cuộc thi này (Ảnh: News).

Ở diễn biến khác, Malz Promotions - đơn vị cử thí sinh Ghana đi thi Hoa hậu Hoàn vũ tuyên bố từ chối trả thêm tiền để gia hạn bản quyền. Công ty thông báo sẵn sàng chấm dứt quan hệ với tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ vì nhận thấy mô hình kinh doanh mới của tổ chức không phù hợp với chiến lược của họ.

"Chúng tôi lấy làm tiếc nếu quyết định này khiến các bạn không vui, nhưng đồng thời vẫn muốn gửi lời chúc tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ những điều tốt đẹp nhất", Malz Promotions viết trong thông cáo. MALZ Promotions có quan hệ thân thiết với tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ gần 5 năm qua. 

Trước những xáo trộn diễn ra tại các đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ tại các quốc gia mấy ngày qua, nhiều khán giả đã tràn vào tài khoản cá nhân gồm hơn 7 triệu người theo dõi của bà Anne Jakapong Jakrajutatip để bày tỏ quan điểm. 

Nhiều ý kiến chỉ trích tỷ phú chuyển giới phá hỏng hình ảnh tốt đẹp và những giá trị mà tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ xây dựng những năm qua. Đặc biệt, nhiều khán giả đến từ Indonesia thể hiện sự tức giận và cho rằng, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ giờ chỉ quan tâm tới tiền mà quên đi giá trị thực của cuộc thi. 

Trước hàng loạt ý kiến trái chiều, bà Anne giải thích đã có sự sai lệch trong việc truyền tải thông tin về việc đấu thầu. Theo bà Anne, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ gửi mẫu đơn đăng ký đấu thầu để giúp các giám đốc quốc gia thể hiện tiếng nói và quyền tự quyết. Đây là cách giúp họ trình bày chiến lược phát triển của công ty.

Tỷ phú Anne Jakapong Jakrajutatip phủ nhận thông tin tăng phí bản quyền đấu giá Hoa hậu Hoàn vũ tại các quốc gia (Ảnh: Instagram).

"Từ bao giờ tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ nói rằng phải tăng phí bản quyền? Các bạn lấy nguồn thông báo chính thức từ đâu, chúng tôi yêu cầu phải trả tiền gấp 10 lần khi nào? Những thông tin sai trái đó không phản ánh đúng sự chính trực trong cách làm việc của tôi", bà Anne nhấn mạnh.

Doanh nhân người Thái Lan hy vọng công chúng lắng nghe và tìm hiểu thông tin chính xác trước khi đưa ra phát ngôn. Bà cho biết, bà và đại diện của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ sẽ có mặt tại Malaysia và Indonesia từ ngày 17/2 trở đi để làm sáng tỏ những thắc mắc.

Được biết, bà Anne Jakapong Jakrajutatip sẽ bắt đầu thực hiện chuyến công tác châu Á (trong đó có Việt Nam) từ tháng 3 tới cùng đương kim Hoa hậu Hoàn vũ - R'Bonney Gabriel, Á hậu 2 Andreína Martínez và Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2022 - Gabriëla Dos Santos.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020