Theo số liệu từ Statista, doanh thu trong phân khúc Gọi xe và taxi của Trung Quốc dự kiến đạt 130,9 tỷ USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2023-2027) là 4,9%, dẫn đến dung lượng thị trường dự kiến là 158,50 tỷ USD vào năm 2027. Nước này giữ vị trí thứ nhất về doanh thu toàn cầu, đứng thứ hai là Mỹ và Ấn Độ xếp thứ ba.
Tăng trưởng doanh thu thị trường Gọi xe và Taxi của Trung Quốc.
Với Việt Nam, doanh thu trong phân khúc Gọi xe & Taxi dự kiến đạt 4,20 tỷ USD vào năm 2023. Năm 2022, doanh thu từ phân khúc này của Trung Quốc đạt 103,1 tỷ USD, gấp hơn 26 lần so với doanh thu của Việt Nam (3,91 tỷ USD).
Tăng trưởng doanh thu thị trường Gọi xe và Taxi của Việt Nam.
Thị trường taxi Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng những năm vừa qua. Trong đó, quốc gia này đang từng bước thực hiện mục tiêu taxi điện 100%.
Tại Thâm Quyến, đầu tàu của ngành xe điện, toàn bộ đội xe buýt ở đây đều đã là ô tô điện từ năm 2017. Trong khi đó, Cục giao thông vận tải Thâm Quyến thông báo rằng 99% số taxi trên địa bàn thành phố, tương đương hơn 21.000 chiếc xe đã chuyển đổi thành công thành ô tô điện.
Khoảng 1.350 chiếc taxi còn lại hiện vẫn chưa chuyển đổi thành công do lo ngại vấn đề sạc điện quá lâu khi các tài xế cần tiết kiệm thời gian để kiếm khách.
Thâm Quyến là trụ sở của BYD, hãng xe điện lớn nhất thế giới hiện nay và đương nhiên giấc mơ điện hóa tại đây cũng được tiến hành nhanh nhất. Công cuộc chuyển đổi đã bắt đầu từ năm 2010 khi chính phủ có hàng loạt chính sách hỗ trợ người mua lẫn người bán xe điện.
Thành phố Thâm Quyến cho biết các taxi điện tiết kiệm năng lượng hơn 70% so với xe xăng. Việc điện hóa toàn bộ taxi sẽ giúp thành phố cắt giảm khoảng 856.000 tấn khí thải nhà kính mỗi năm, tương đương với công dụng của 408 nghìn ha cánh rừng nguyên sinh trong việc chuyển hóa khí thải.
Còn tại Bắc Kinh, thành phố đã công bố kế hoạch “điện hóa” 100% đội ngũ xe taxi của thành phố cách đây 5 năm. Hiện nay, hàng nghìn chiếc taxi tại đây đã chuyển thành ô tô điện. Theo ước tính, các hãng vận hành taxi tại Bắc Kinh sẽ phải tốn khoảng 1,3 tỷ USD nếu muốn đổi hết đội xe của mình sang xe điện.
Trung Quốc đang nỗ lực đi đầu trong phong trào chuyển hóa xe điện với khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất, từ những chiếc ô tô giá rẻ đến các xe hơi hạng sang cạnh tranh với Tesla, tờ New York Times nhận định.
Trong năm 2022, Trung Quốc có khoảng 4 triệu trạm sạc, cao gấp đôi so với năm trước và dự kiến mạng lưới nay sẽ còn được phát triển mạnh.
Cũng trong năm 2022, Mỹ mới đạt 5% số xe mới bán ra là ô tô điện, nhưng Trung Quốc đã làm được điều này từ năm 2018. Thậm chí Trung Quốc còn đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 20% vào năm 2025.
Theo nhiều ước tính, tổng doanh số xe điện của Trung Quốc năm ngoái đạt tới 6 triệu chiếc, hơn tổng số ô tô điện bán ra trên toàn bộ thị trường còn lại cộng lại. Hiện một nửa trong top 10 loại xe điện bán chạy nhất thế giới thuộc về Trung Quốc, và dẫn đầu là BYD.
Hiện gần 1/4 số xe đăng ký mới tại Trung Quốc là ô tô điện hoặc Hybrid, nghĩa là cường quốc này đã vượt trước Châu Âu lẫn Mỹ trong mảng này.
Tại Việt Nam, thị trường chứng kiến làn gió mới khi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập công ty GSM, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.
Nhằm đưa ô tô điện, xe máy điện vào hoạt động rộng rãi trong dịch vụ vận tải công nghệ, Công ty taxi điện GSM đã công bố đầu tư trực tiếp vào Be Group, nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ hàng đầu Việt Nam. Thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện một cách thuận tiện và dễ dàng nhất.
Công ty GSM mong đợi thoả thuận này sẽ giúp cho hàng trăm nghìn tài xế của Be Group có cơ hội chuyển sang sử dụng các loại phương tiện giao thông điện thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường với mức chi phí hợp lý.
Tham khảo: NYT, Techcrunch, Statista
Khánh Vy
Nhịp sống thị trường