NATO ngày 4/7 thông báo ông Jens Stoltenberg, người đã đảm nhận vị trí Tổng thư ký trong 9 năm qua, sẽ tiếp tục công việc này thêm một năm. Ông sẽ trở thành Tổng thư ký NATO nắm quyền lâu nhất trong lịch sử tổ chức này.
Trước khi quyết định được NATO đưa ra, Stoltenberg cho hay mong muốn lớn nhất của ông là "trở về Na Uy", nơi ông dự kiến nhậm chức thống đốc ngân hàng trung ương vào cuối năm. "Nhưng một số người đã yêu cầu tôi ở lại NATO", ông thừa nhận, thêm rằng việc nắm quyền Tổng thư ký thêm một năm là "vinh dự", bởi "trong thế giới ngày càng nguy hiểm, liên minh vĩ đại của chúng ta quan trọng hơn nhiều".
NATO là liên minh quân sự đại diện cho nhiều quốc gia và khu vực, gồm Bắc Mỹ, Đông và Nam Âu, bán đảo Scandinavia, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp. Mọi quyết định đưa ra đều cần sự đồng thuận của tất cả 31 thành viên.
Để đạt đồng thuận đó, Tổng thư ký không cần phải chiến đấu và giành chiến thắng trong các trận chiến. Đó là việc của chỉ huy đồng minh tối cao, luôn là người Mỹ, cũng như quân đội của 31 nước thành viên. Thay vào đó, công việc của Tổng thư ký NATO là thảo luận với tất cả các bên, tìm ra những điểm chung và đạt thỏa hiệp.
Tổng thư ký NATO, vị trí luôn do người châu Âu nắm giữ, cũng không bao giờ được rò rỉ thông tin nhạy cảm, không được biến mình thành trung tâm của câu chuyện, ngay cả khi câu chuyện đó là về lãnh đạo này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels, Bỉ, hôm 14/2. Ảnh: AFP
Đây là lý do Stoltenberg được gọi là "Người đa phương", bởi ông thực sự tin tưởng vào các tổ chức đa phương như NATO, cho rằng nó sẽ hoạt động tốt hơn các cơ chế song phương.
Trong nhiệm kỳ của Stoltenberg, NATO từng hứng chịu nhiều chỉ trích. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dọa rút Mỹ khỏi NATO và bày tỏ hoài nghi về cơ chế đa phương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2019 tuyên bố "NATO đang chết não" khi Mỹ quay lưng với tổ chức.
Trong thời kỳ lợi ích quốc gia và chủ nghĩa biệt lập lên ngôi, vai trò của Stoltenberg bị hoài nghi, khi những người chỉ trích cho rằng ông hoạt động kém hiệu quả và "không có mục đích".
Nhưng Stoltenberg luôn đứng trên lập trường đa phương để đáp lại quan điểm chỉ trích. Đối mặt với cáo buộc của ông Trump rằng các thành viên NATO không chịu chi cho quốc phòng, Stoltenberg đã đưa ra những biểu đồ đơn giản cho thấy ngân sách dành cho quân sự của khối đã tăng lên kể từ khi ông Trump đắc cử.
Theo nghiên cứu của chuyên gia Leonard Schuette tại Đại học Maastricht, Hà Lan, kỹ năng cá nhân và chính sách ngoại giao khéo léo của Tổng thư ký Stoltenberg đã giúp NATO "sống sót" qua những sóng gió dưới thời Trump.
Với những người chỉ trích NATO kém hiệu quả, Stoltenberg thường hỏi lại "kém hiệu quả hơn cái gì? So sánh với cái gì?". Ông thừa nhận quy trình ra quyết định theo hình thức đồng thuận của NATO là "chậm chạp", nhưng nếu không có liên minh quân sự này, sẽ không có một quyết định tập thể nào được đưa ra.
"Tôi tin tưởng vào phòng thủ tập thể. Tôi tin vào lập trường một vì tất cả, tất cả vì một, trong đó bất kỳ cuộc tấn công vào một thành viên liên minh sẽ kích hoạt phản ứng từ những nước còn lại", ông nói, thêm rằng điều này tốt cho cả nước nhỏ lẫn nước lớn.
Stoltenberg đã bốn lần được các lãnh đạo thành viên NATO tin tưởng giao vị trí Tổng thư ký, hai lần cho nhiệm kỳ thông thường và hai lần gia hạn.
Trước khi làm Tổng thư ký NATO, ông cũng có nhiều năm làm chính trị gia. Là thủ tướng Na Uy giai đoạn 2000-2001 và 2005-2013, Stoltenberg đã quen với việc tìm kiếm thỏa hiệp trong các chính phủ liên minh.
Khi lãnh đạo NATO, ông thường xuyên trao đổi tin nhắn với lãnh đạo và tới thăm các nước thành viên. Tháng trước, ông tới Thổ Nhĩ Kỳ dự lễ nhậm chức của Tổng thống Tayyip Erdogan. Sau đó, ông dành thêm thời gian ở Istanbul và tham gia một số cuộc thảo luận về kết nạp Thụy Điển. Cuối tuần trước, ông theo dõi cuộc tập trận ở Litva và tham gia cuộc họp với Ủy ban châu Âu.
Giới quan sát cho rằng NATO vẫn đặt trọn niềm tin vào Stoltenberg và không muốn thay đổi lãnh đạo trong thời điểm phải đối mặt với những thách thức lớn như hỗ trợ quân sự cho Ukraine và tìm kiếm đồng thuận về mức chi tiêu quốc phòng. Ngoài ra, liên minh cũng đang gặp khó khăn trong nỗ lực kết nạp Thụy Điển, khi vấp trở ngại từ hai đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
"NATO thường tránh thay đổi vị trí chủ chốt trong thời kỳ khủng hoảng, nếu lãnh đạo hiện tại được coi là đáng tin cậy, có năng lực và được các thành viên chấp nhận. Ông Stoltenberg hội tụ đủ những yếu tố này", Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka ở Tokyo, nói.
Dù không có vai trò quyết định về quân sự hay chiến lược với NATO, vị trí Tổng thư ký vẫn ảnh hưởng rất lớn với các đồng minh. Lãnh đạo NATO là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh liên minh, cuộc họp cấp bộ trưởng, thiết lập chương trình tham vấn và dẫn dắt liên minh thảo luận về các đề xuất chính sách.
Ảnh hưởng này được thể hiện rõ trong vai trò lãnh đạo của ông Stoltenberg về những mục tiêu ngân sách quốc phòng, hỗ trợ Ukraine và trong tài liệu Khái niệm Chiến lược mới của NATO, theo Jamie Shea, cựu phó trợ lý tổng thư ký NATO về thách thức an ninh khẩn cấp.
Tổng thư ký NATO cũng chịu trách nhiệm duy trì đoàn kết của liên minh, đàm phán các thỏa thuận và là bộ mặt đại diện của NATO. Do đó, đây là vị trí có uy tín quốc tế lớn và là lý do nhiều quốc gia muốn cạnh tranh để có ứng viên cho chiếc ghế này.
Ông Stoltenberg thể hiện được vai trò này khi có đóng quan trọng trong tăng cường hợp tác giữa NATO và Liên minh châu Âu (EU), điều từng là nguồn cơn gây xích mích liên tục giữa hai tổ chức, theo James Black, trợ lý giám đốc quốc phòng tại tổ chức RAND châu Âu. NATO và EU đã phối hợp rất nhịp nhàng trong các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine trong hơn một năm qua.
"Điều đó cho thấy những thành tựu của ông Stoltenberg không chỉ dừng lại ở thúc đẩy đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và tập hợp ủng hộ cho Ukraine, mà dưới sự lãnh đạo của ông, NATO cũng bắt đầu có tầm nhìn xa hơn", Gabriel Dominguez, nhà phân tích của Japan Times, cho hay.
Vị trí các nước NATO. Đồ họa:Tiến Thành
Lập luận rằng an ninh châu Âu không thể tách rời an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Stoltenberg đóng vai trò quan trọng trong tăng cường hợp tác giữa NATO với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Nhóm nước này, được gọi là "Bộ Tứ châu Á - Thái Bình Dương", dự kiến thắt chặt quan hệ đối tác với liên minh vào cuối năm nay.
"Các đồng minh NATO tìm đến đối tác châu Á - Thái Bình Dương để tìm hiểu kinh nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như hợp tác về công nghệ mới và đột phá, đặc biệt với Hàn Quốc và Nhật Bản", Paal Sigurd Hilde, chuyên gia NATO tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, nói.
Vấn đề quan trọng và cấp bách nhất hiện tại đối với NATO là cuộc chiến ở Ukraine. Đây dự kiến là một trong những chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Litva tuần tới.
"Stoltenberg được tin tưởng bởi ông ấy không tìm kiếm mẫu số chung nhỏ nhất trong các cuộc đàm phán, mà muốn tìm cách tạo ra những thỏa thuận tốt nhất có thể", Julianne Smith, cựu đại sứ Mỹ ở NATO, nhận xét.
Thanh Tâm (Theo The Atlantic, Japan Times)