Chuyên mục  


Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 15/10 công bố video cho thấy Triều Tiên đã kích nổ mìn phá hủy nhiều đoạn thuộc tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường phân giới Quân sự (MDL) ngăn cách hai nước. Quân đội Hàn Quốc đã nổ súng cảnh cáo ở phía nam MDL và tăng cường giám sát tình hình, trong khi Triều Tiên chưa lên tiếng về thông tin.

Tuyến Gyeongui nối thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc với Kaesong của Triều Tiên, còn Donghae chạy dọc bờ biển phía đông. Hai tuyến đường này được coi là thành tựu của giai đoạn quan hệ hai miền ổn định những năm 2000, trước khi căng thẳng bùng lên, liên quan chương trình hạt nhân Triều Tiên và các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Theo giới chuyên gia, dù hạ tầng này đã bị đình chỉ từ lâu, việc phá hủy chúng vẫn gửi đi thông điệp rõ ràng là Triều Tiên không muốn đàm phán với Hàn Quốc.

"Đây là động thái liên quan đến tình trạng thù địch giữa hai nước mà Triều Tiên thường xuyên đề cập", Yang Moo-jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc nói với AFP. Triều Tiên có thể bố trí thêm chướng ngại vật dọc biên giới và việc phá hủy hai tuyến đường là "công việc chuẩn bị".

han-quoc-noi-trieu-tien-cho-no-nhieu-doan-duong-bien-gioi-1728976039.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yAyWMlXGcZ-jG1QAblrIpQ
Hàn Quốc nói Triều Tiên cho nổ nhiều đoạn đường biên giới

Vụ nổ trên các tuyến đường Gyeongui và Donghae ngày 15/10. Video: JCS

Triều Tiên phá hủy hai tuyến đường chỉ vài ngày sau khi tuyên bố drone của Hàn Quốc đã xâm nhập Bình Nhưỡng để thả truyền đơn, gọi đây là hành động khiêu khích về quân sự, chính trị và cảnh báo "thảm họa" nếu còn tái diễn. Nước này ngày 13/10 cho biết đã triển khai 8 đơn vị pháo binh được trang bị vũ khí đầy đủ tại biên giới và "trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa".

Quân đội Hàn Quốc ban đầu phủ nhận cáo buộc triển khai drone xâm nhập Bình Nhưỡng, sau đó cho hay họ không thể xác nhận liệu tuyên bố từ Triều Tiên có đúng sự thật hay không.

Truyền thông địa phương cho rằng đây có thể là drone do các nhà hoạt động chống Triều Tiên ở Hàn Quốc vận hành, bởi nhóm này thường xuyên dùng bóng bay thả truyền đơn cùng vật phẩm sang Triều Tiên.

Dù tình hình căng thẳng, giới chuyên gia không cho rằng động thái của Triều Tiên sẽ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện, bởi cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul đều hiểu rất rõ cái giá phải trả nếu chiến sự nổ ra. Theo ước tính của Bloomberg Economics, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD trong năm đầu tiên, tương đương 3,9% GDP, nếu căng thẳng hai miền Triều Tiên biến thành chiến tranh.

"Nếu lên kế hoạch tấn công, tôi sẽ không cho nổ tung các con đường dẫn xuống miền nam", sử gia Jim Hoare, cựu nhà ngoại giao Anh tại Triều Tiên, cho biết, thêm rằng hành động nổ mìn của Bình Nhưỡng chỉ mang tính biểu tượng, "không làm thay đổi tình hình thực địa".

"Động thái phá đường của Triều Tiên dường như nhằm tạo tiếng vang, thu hút sự chú ý từ cả trong và ngoài nước về sự không hài lòng với Hàn Quốc mà không có nguy cơ dẫn đến một phản ứng quân sự đáp trả", Peter Ward, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Sejong, Seoul, Hàn Quốc nói với Financial Times. "Vì họ chỉ đang phá hủy phần đường trên lãnh thổ của mình. Nếu muốn tái thiết, họ cũng có thể khôi phục chúng dễ dàng".

Giới phân tích thêm rằng loạt động thái "ăn miếng trả miếng" giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là biểu hiện của màn thi gan, trong đó bên nào xuống nước trước sẽ bị coi là kẻ thua cuộc.

"Cả hai đều không nhượng bộ", giáo sư Kim Dong-yup, Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói. Và do hai nước luôn có sự ngờ vực lẫn nhau, Seoul "cần phải cân nhắc chiến lược ứng phó khủng hoảng".

Căng thẳng liên quan cáo buộc drone xâm nhập nhiều khả năng chỉ là "màn đấu khẩu" giữa hai bên mà không tạo ra những động thái đột biến có thể dẫn đến chiến tranh, giáo sư Nam Sung-wook, chuyên về nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, đánh giá.

Vụ nổ trên một đoạn đường kết nối Triều Tiên với Hàn Quốc ở phía Triều Tiên ngày 15/10. Ảnh: AFP

Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh, sau khi cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.

Giai đoạn 2017-2022, quan hệ hai miền ấm lên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon Jae-in, người chọn cách tiếp cận mềm mỏng trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai sau đó tăng nhiệt, Triều Tiên đẩy mạnh thử vũ khí và đưa ra thông điệp đe dọa, còn Hàn Quốc đáp trả bằng cách tăng cường tập trận chung với đồng minh Mỹ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuối năm ngoái tuyên bố quan hệ giữa hai miền là "thù địch" và tìm kiếm hòa giải, thống nhất với Hàn Quốc là "vô nghĩa". Hồi tháng 1, ông Kim Jong-un từng đề cập tách rời hoàn toàn với Hàn Quốc, phá hủy các tuyến đường kết nối đến mức "không thể vãn hồi".

Edward Howell, nhà nghiên cứu tại Chatham House, viện chính sách có trụ sở tại Anh, nhận định "những ngôn từ quyết liệt này là một phần trong chiến lược leo thang căng thẳng của Triều Tiên". Howell thêm rằng Triều Tiên cũng thường gia tăng hoạt động khiêu khích trong năm Mỹ bầu cử tổng thống.

"Họ muốn thử và xem liệu Mỹ có sự nhượng bộ nào không", ông Howell nói.

Như Tâm (Theo AP, BBC, BI)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020