Chuyên mục  


Cảng nước sâu Chancay của Peru quan trọng với Trung Quốc đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên kế hoạch dự lễ khánh thành nó vào cuối năm trong chuyến công du đầu tiên tới lục địa này kể từ sau đại dịch Covid-19.

Được sở hữu phần lớn bởi tập đoàn vận tải biển khổng lồ Trung Quốc Cosco, Chancay hứa hẹn sẽ tăng tốc dòng chảy thương mại giữa châu Á và Nam Mỹ, mang lại lợi ích cho những khách hàng ở xa như Brazil, với thời gian tàu hàng qua Thái Bình Dương được rút ngắn.

Một phần công trường cảng Chancay nhìn từ trên cao. Ảnh: WSJ

Khi các quốc gia trên thế giới vẫn choáng váng trước làn sóng hàng hóa giá rẻ mới do Trung Quốc sản xuất, cảng Chancay có thể tiếp tục mở ra thị trường cho xe điện và các mặt hàng xuất khẩu khác tới Nam Mỹ, nơi Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nước tại đây.

Mỹ lo ngại việc Trung Quốc xây dựng cảng Chancay, nơi có thể trở thành trung tâm thương mại toàn cầu thực sự đầu tiên của Nam Mỹ, sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường hơn nữa khả năng kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực, gia tăng ảnh hưởng lên các nước láng giềng gần Mỹ và cuối cùng là triển khai lực lượng quân sự tới khu vực.

"Nó sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng khai thác tất cả các nguồn tài nguyên ở khu vực, vì vậy điều này rất đáng lo ngại", tướng lục quân Laura Richardson, lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ, cho biết vào tháng trước tại hội nghị an ninh của Đại học Quốc tế Florida.

Các cựu quan chức Mỹ cho rằng dự án đã cho thấy khoảng trống ngoại giao mà Mỹ tạo ra Mỹ Latin, khi Washington tập trung nguồn lực ở những nơi khác, gần đây nhất là Ukraine và Trung Đông.

"Cảng Chancay thực sự làm thay đổi cuộc chơi. Nó biến Trung Quốc thành của ngõ quan trọng cho Nam Mỹ bước vào thị trường toàn cầu. Đây không còn là vấn đề thương mại nữa, mà đã trở thành vấn đề chiến lược", Eric Farnsworth, cựu quan chức ngoại giao cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện lãnh đạo văn phòng Washington của Hội đồng châu Mỹ, nhận xét.

Nằm cách thủ đô Lima của Peru 80 km về phía bắc, cảng Chancay trị giá 3,5 tỷ USD, được tài trợ bởi các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc. Đây sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu lớn nhờ độ sâu hơn 18 m, mặc dù các cảng khác trong khu vực có quy mô xếp dỡ container lớn hơn.

Nó sẽ cho phép các công ty trực tiếp chuyển hàng hóa trên những con tàu lớn từ Trung Quốc tới Peru và ngược lại, thay vì phải thuê những con tàu nhỏ hơn và phải cập cảng trung chuyển ở Mexico hay Mỹ.

Cosco nói rằng cảng Chancay hoàn toàn nhằm mục đích thúc đẩy thương mại.

"Đây là một dự án thương mại nhằm thúc đẩy phát triển, không có gì phải che giấu ở đây cả", Phó tổng giám đốc Cosco tại Peru Gonzalo Rios cho hay.

Ngay sau khi dự án cảng được thông qua vào năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra những dự đoán về tương lai của Peru như một trung tâm thương mại giữa nước này và Nam Mỹ, đồng thời gợi ý rằng nó có thể giúp Bắc Kinh hiện thực hóa những ưu tiên khác, như xây dựng tuyến cáp ngầm dưới biển.

Peru cũng gạt đi những lo ngại từ phía Mỹ. Ngoại trưởng Peru Javier Gonzalez-Olaecheas nói nếu Mỹ lo lắng về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này thì họ nên tự mình tăng cường đầu tư, khẳng định "mọi quốc gia đều được chào đón".

"Mỹ có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sáng kiến, nhưng không nhiều ở Mỹ Latin", Ngoại trưởng Gonzalez-Olaechea nói. "Họ giống như một người bạn rất quan trọng nhưng lại dành rất ít thời gian cho chúng ta".

Chancay được ví như bản sao của một cảng Cosco ở Hy Lạp năm 2016 đã giúp Trung Quốc có chỗ đứng ở miền nam châu Âu. Ngày nay, các công ty Trung Quốc kiểm soát hoặc vận hành khoảng 100 cảng biển nước ngoài. Theo AidData, phòng nghiên cứu tại Đại học Virginia William & Mary, Bắc Kinh đã đầu tư gần 30 tỷ USD cho các dự án tại ít nhất 46 quốc gia kể từ năm 2000 đến 2021.

Đầu tư vào cảng đã mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy ngoại giao với các quốc gia khao khát vốn nước ngoài. Tàu hải quân Trung Quốc đã cập bến hơn 1/3 số cảng mà các công ty nước này sở hữu hoặc điều hành trên khắp thế giới. Nhưng các cảng đó không phải căn cứ quân sự bí mật của Trung Quốc, mà đóng vai trò là nơi tổ chức các chuyến ghé thăm cảng hải quân mang tính nghi lễ.

Một cựu quan chức Mỹ và cựu quan chức Peru am hiểu vấn đề cho biết Mỹ đã thảo luận với giới chức Peru về những lo ngại liên quan đến việc Trung Quốc kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có cảng Chancay. Điều khiến Washington lo lắng là mối liên hệ giữa các công ty thương mại Trung Quốc và chính phủ, đặc biệt là quân đội nước này. Các bến cảng và thiết bị trong đó có thể được sử dụng cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự.

Isaac Kardon, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, cho biết luật Trung Quốc yêu cầu các công ty phải tính đến nhu cầu về an ninh quốc phòng trong hoạt động của họ. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể phải cung cấp quyền tiếp cận ưu tiên cho tàu quân sự tại các bến cảng, chia sẻ thông tin có giá trị và hỗ trợ quốc phòng cũng như điều động lực lượng.

"Người Mỹ đã phần nào ngủ quên. Đột nhiên họ tỉnh giấc", John Youle, doanh nhân nổi tiếng ở Peru và từng là nhà ngoại giao Mỹ, cho hay.

Cảng Chancay được đánh giá sẽ đặt Peru vào giữa cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc ở Nam Mỹ.

Đường hầm do Trung Quốc xây dựng dành cho xe tải chở hàng sẽ nối cảng với các tuyến đường tránh trung tâm thành phố Chancay. Ảnh: WSJ

Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin, muốn phát triển ngành bán dẫn với Trung Quốc sau khi từ chối yêu cầu của Mỹ loại trừ Huawei Technologies khỏi mạng 5G. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng một tàu điện ngầm ở thủ đô Bogota, Colombia. Honduras đã cắt quan hệ với Đài Loan, với hy vọng nhận được làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Và tại Argentina, Trung Quốc đang mua các mỏ lithium, thành phần thiết yếu trong xe điện.

Peru hoan nghênh các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào mọi lĩnh vực, từ cảng đến khai thác đồng và điện. Điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc kiểm soát hầu như toàn bộ hệ thống phân phối điện của Lima.

"Peru đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và khiến nước này dễ bị tổn thương trước sức ép từ Bắc Kinh", Leland Lazarus, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latin thuộc Đại học Quốc tế Florida, bình luận.

Peru xếp thứ năm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Trung Quốc trên thế giới, theo chỉ số do Doublethink Lab và tổ chức Trung Quốc trong Mạng lưới Thế giới đưa ra. Xe do Trung Quốc sản xuất có mặt trên khắp nước này.

Tại khu phố Miraflores của thủ đô Lima, không xa công viên mang tên John F. Kennedy, chính quyền địa phương mới đây đã khánh thành Công viên Trung Quốc nhìn ra Thái Bình Dương, với mái che và tượng sư tử được mang từ Trung Quốc sang để kỷ niệm mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa đôi bên.

Tại cảng Chancay, nơi có biển hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Quốc, một đường hầm dài hàng km sẽ cho phép xe tải chở hàng đến tận cảng mà không cần đi qua thành phố. Cần cẩu tự động và các phương tiện không người lái sẽ di chuyển hàng hóa lên một số tàu vận chuyển lớn nhất thế giới.

Daniel Bustamante, nông dân địa phương, hy vọng cảng sẽ giúp quả việt quất và bơ mà anh trồng trên bờ biển Peru tiếp cận được các thị trường mới ở châu Á. Hiện tại, anh chủ yếu xuất khẩu chúng đến châu Âu và Mỹ.

Những tuyến đường vận chuyển hiện nay giữa Peru và Trung Quốc kéo dài khoảng 35 ngày, thời quan quá dài để hầu hết các loại thực phẩm dễ hỏng đến được đích. Cảng Chancay sẽ giúp cắt giảm 1/3 thời gian trên, qua đó giảm chi phí kinh doanh.

"Đây sẽ là cánh cửa dẫn vào châu Á. Kỳ vọng của chúng tôi là có thể phát triển nhiều ở thị trường đó", Bustamante nhấn mạnh.

Với cảng Chancay, các nhà xuất khẩu Brazil ở những nơi xa xôi như thành phố Manaus cũng có thể giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc, Omar Narrea, nhà kinh tế tại Đại học Thái Bình Dương của Peru, cho hay.

Nhưng việc đến được một cảng ở phía bên kia rừng nhiệt đới Amazon và dãy núi Andes vẫn là thách thức lớn. Peru có một đường cao tốc ở phía nam kết nối với Brazil, còn dự án đường cao tốc và đường sắt mới kết nối với Chancay hiện vẫn nằm trên giấy.

"Đây là loại dự án mà tất cả mọi người đều chiến thắng", Bộ trưởng Giao thông Brazil Renan Filho nói. "Nhưng một số phần cực kỳ phức tạp".

Vị trí cảng Chancay của Peru. Đồ họa: Csmonitor

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020