Chuyên mục  


Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 28/3 cho hay tình báo Mỹ đã nắm được thông tin về một âm mưu khủng bố của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhắm vào các buổi hòa nhạc, tụ tập đông người ở Moskva và đã nhiều lần cảnh báo Nga về điều này.

"Thực tế là Mỹ đã cố gắng giúp ngăn vụ khủng bố và Điện Kremlin biết điều này", ông Kirby nói, thêm rằng Mỹ còn gửi cả văn bản cảnh báo tới Nga lúc 11h15 hôm 7/3, hai tuần trước khi vụ khủng bố nhà hát Crocus xảy ra ở ngoại ô Moskva.

khung-bo-nha-hat-crocus-tham-kich-te-nhat-hon-20-nam-tai-nga-1711596981.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EVah7XoxFfjZst079kKLdw
Khủng bố nhà hát Crocus - thảm kịch tệ nhất hơn 20 năm tại Nga

Vụ khủng bố nhà hát Nga diễn ra thế nào. Video: Reuters, TASS

Các quan chức tình báo Mỹ cho hay cảnh báo mà họ gửi đến Nga khá rõ ràng. Bằng cả các kênh công khai lẫn bí mật, Washington đã tìm cách thông báo tới quan chức trong chính quyền Tổng thống Vladimir Putin rằng "những kẻ cực đoan" đã "lên kế hoạch thực hiện" một cuộc tàn sát.

Hành động này được Mỹ thực hiện theo nguyên tắc được gọi là "nghĩa vụ cảnh báo", bắt buộc các quan chức tình báo nước này phải chia sẻ thông tin về mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nếu điều kiện cho phép, bất kể phía bên kia là đồng minh hay đối thủ.

Mỹ đã dẫn dắt liên minh quân sự nhiều nước đánh bại IS ở Iraq và Syria, đồng thời duy trì lực lượng đồn trú tại hai nước này để tiếp tục giám sát, đề phòng sự trỗi dậy của nhóm khủng bố.

Tình báo Mỹ trong nhiều năm qua đã liên tục theo dõi sát mọi hành động của IS, vừa để nắm được hành tung của các thủ lĩnh phiến quân, vừa kịp thời phát hiện các âm mưu tấn công khủng bố. Tình báo Mỹ liên tục phát hiện và cung cấp thông tin cho các chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS.

Cuối năm 2022, IS tuyên bố bổ nhiệm Abu al-Hussein al-Husseini al-Quraishi làm thủ lĩnh tối cao, sau khi lãnh đạo trước đó bị tiêu diệt ở miền nam Syria. Ngày 29/4/2023, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, thông báo tiêu diệt al-Qurashi trong chiến dịch đột kích ở Syria. Ba tháng sau, Mỹ tiêu diệt Osama al-Muhajer, thủ lĩnh IS tại miền đông Syria.

Thông tin tình báo về âm mưu tấn công của IS nhắm vào thủ đô Nga được tình báo Mỹ đánh giá là đáng tin cậy. Ngày 7/3, đại sứ quán Mỹ tại Moskva thông báo đang theo dõi một số thông tin về việc "những kẻ cực đoan có kế hoạch nhằm vào các cuộc tụ họp lớn ở Moskva, trong đó có các buổi hòa nhạc". Họ khuyến cáo công dân Mỹ ở thủ đô Nga tránh các sự kiện lớn.

Đây được coi là cảnh báo công khai nhất mà Mỹ gửi đến Nga về nguy cơ khủng bố. Ở hậu trường, những thông tin tương tự cũng được phát đi. Dossier Center, trung tâm nghiên cứu ở London, cho hay một số báo cáo tình báo nội bộ của Nga thời điểm đó đã đề cập đến nguy cơ xảy ra một vụ tấn công ở Nga do những người Tajikistan bị ISIS-K, chi nhánh của IS tại Afghanistan, lôi kéo và cực đoan hóa.

Sau những thông tin được chuyển đi theo "nghĩa vụ cảnh báo" của Mỹ, có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga đã tiếp nhận một cách tích cực để lên kế hoạch ngăn chặn cuộc tấn công.

Phản ứng công khai của Nga là bác bỏ cảnh báo do Mỹ đưa ra. Ba ngày trước vụ khủng bố ở nhà hát Crocus, Tổng thống Putin gặp các sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), chỉ trích cái mà ông gọi là "những tuyên bố kích động" từ phương Tây về các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Ông cho rằng đây chỉ là "hành động hăm dọa và là nỗ lực nhằm làm rối loạn nước Nga", đồng thời yêu cầu FSB tăng cường nỗ lực đối phó với các mối đe dọa an ninh từ Ukraine.

Vài giờ sau khi 4 tay súng tấn công nhà hát Crocus hôm 22/3, IS ra tuyên bố nhận trách nhiệm, cho hay đây là một phần trong "cuộc chiến chống lại những bên đàn áp đạo Hồi".

Khi giới chức Nga bày tỏ hoài nghi tuyên bố này, IS đăng ảnh nhóm tay súng được chụp trước khi tiến hành vụ khủng bố. Phiến quân sau đó tiếp tục đăng video được các tay súng gửi về, cho thấy cảnh những kẻ khủng bố đang nã đạn vào dân thường trong nhà hát. Trang phục của những kẻ khủng bố trong bức ảnh này trùng khớp với quần áo mà các nghi phạm mặc trên người khi bị an ninh Nga bắt.

is-cong-bo-video-tan-cong-nha-hat-o-nga-1711253722.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9CaD9tHXWyoK2EPMJKd5CQ
IS công bố video tấn công nhà hát ở Nga

Các tay súng bên trong khu vực được cho là sảnh nhà hát Crocus City Hall ở Krasnogorsk, tỉnh Moskva, Nga ngày 23/3. Video: Amaq

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kirby lưu ý rằng việc Washington gửi cảnh báo cho Moskva theo nghĩa vụ không nên được coi là một bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga hay nỗ lực chia sẻ tình báo giữa hai nước.

"Sẽ không có hỗ trợ an ninh nào giữa Nga và Mỹ", ông nói với các phóng viên hôm 25/3. "Chúng tôi có nghĩa vụ cảnh báo họ về những thông tin chúng tôi có mà rõ ràng là họ không có. Chúng tôi đã làm điều đó".

Mỹ bắt đầu tập trung vào nỗ lực chia sẻ cảnh báo về các mối đe dọa sau vụ tấn công ngày 7/8/1998 của al-Qaeda vào các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Sự việc khiến hàng chục công dân Mỹ, Kenya và nhân viên chính phủ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau thiệt mạng.

Năm 2015, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper ra chỉ thị chính thức hóa quy định về nghĩa vụ cảnh báo, nhấn mạnh cộng đồng tình báo "có trách nhiệm khuyến cáo công dân Mỹ và những người không phải công dân Mỹ về các mối đe dọa sắp xảy ra liên quan đến hành vi cố ý giết người, gây thương tích nghiêm trọng hoặc bắt cóc".

Chỉ thị này cũng liệt kê những trường hợp các quan chức tình báo Mỹ có thể miễn thi hành nghĩa vụ cảnh báo, giữ im lặng bất chấp nguy hiểm đang rình rập, như khi mục tiêu bị nhắm tới là sát thủ hay phần tử cực đoan, hoặc khi việc tiết lộ thông tin có thể "gây nguy hiểm quá mức" cho các nhân viên Mỹ, nguồn tin, đối tác tình báo của họ trong chính phủ nước ngoài và hoạt động tình báo, quốc phòng quan trọng.

Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moskva, Nga, bị cháy sau vụ tấn công khủng bố đêm 22/3. Ảnh: AP

Cộng đồng tình báo Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump từng đối mặt cáo buộc rằng họ đã không cảnh báo nhà báo Jamal Khashoggi về âm mưu ám sát ông, khiến ông bị sát hại vào năm 2018 bên trong lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông cho hay các cơ quan tình báo Mỹ đã từ chối trả lời yêu cầu cung cấp bất kỳ hồ sơ nào cho thấy liệu họ có biết trước về âm mưu ám sát Khashoggi hay không.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, việc chia sẻ thông tin tình báo về những mối đe dọa với các chính phủ khác đã được tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt vào thời kỳ trước khi Nga phát động chiến sự tại Ukraine tháng 2/2022. Mỹ lúc bấy giờ quyết định giải mật những tài liệu quan trọng về kế hoạch tác chiến của Nga nhằm thuyết phục Ukraine và các đồng minh gây áp lực buộc Nga rút hàng trăm nghìn quân tập trung ở biên giới, song không thành công.

Trong một bài viết trên tờ Foreign Affairs hồi mùa xuân, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã đề cập đến tầm quan trọng của "ngoại giao tình báo", sử dụng một cách có chiến lược các phát hiện tình báo để củng cố quan hệ đồng minh và khiến đối thủ bối rối.

Tuy nhiên, trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng những cảnh báo như vậy không phải lúc nào cũng được chú ý và nghĩa vụ cảnh báo không đồng nghĩa với việc bên kia phải lắng nghe. Điều này đặc biệt đúng khi họ là đối thủ.

Hồi tháng một, Mỹ đưa ra cảnh báo tương tự với các quan chức Iran trước vụ đánh bom kép gần mộ tướng Iran Qassem Soleimani ở thành phố Kerman, khiến 95 người thiệt mạng. IS đã nhận trách nhiệm về sự việc.

Năm 2004, chính quyền Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng đã tỏ ra "hoài nghi" khi các quan chức Mỹ cảnh báo về một âm mưu ám sát ông, Stephen McFarland, nhà ngoại giao Mỹ từng phụ trách khu vực Trung và Nam Mỹ, hôm 25/3 cho hay.

Mối ngờ vực sâu sắc như vậy thường khiến các cảnh báo giữa Mỹ và Nga bị bỏ qua. Điều đó đúng ngay cả với những mối nguy hiểm chung mà cả hai bên phải đối mặt, như IS hay al-Qaeda.

Theo Steven Hall, cựu quan chức tình báo Mỹ, Moskva có xu hướng không coi trọng nỗ lực hợp tác tình báo với Washington nhằm chống lại các mối đe dọa chung. Nhưng vào năm 2013, Mỹ cũng đã hứng chịu hậu quả khi không đánh giá đầy đủ cảnh báo từ Nga.

FSB năm 2011 từng cảnh báo Washington rằng công dân Mỹ có tên Tamerlan Tsarnaev là thành viên của các nhóm cực đoan, nhưng tình báo Mỹ lúc đó tỏ ra hoài nghi, thậm chí kết luận Tsarnaev không phải mối đe dọa. Hai năm sau, Tamerlan Tsarnaev cùng em trai đã tiến hành vụ đánh bom thảm khốc tại cuộc đua marathon Boston, khiến ba người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Vũ Hoàng (Theo AP, ABC, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020