Chuyên mục  


Israel đã hạ sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng các chỉ huy khác của Hezbollah trong đòn tập kích vào ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon đêm 27/9.

"Hezbollah chịu đòn giáng mạnh nhất vào cánh quân sự kể từ khi thành lập. Ngoài tổn thất hạ tầng, vũ khí, nhóm còn mất hầu hết lãnh đạo cấp cao, trong khi mạng lưới liên lạc sụp đổ", Hanin Ghaddar, nhà nghiên cứu tại Viện Washington, Mỹ, nói.

Hezbollah được coi là "viên ngọc quý" trong "trục kháng chiến", gồm các nhóm vũ trang ở Iraq, Syria, Lebanon, Gaza và Yemen, được Iran xây dựng và dẫn dắt trong nhiều thập kỷ qua. Mục tiêu chính của trục là chống lại ảnh hưởng của Israel và phương Tây ở Trung Đông.

"Từ góc nhìn của Iran, Hezbollah là trọng tâm của trục vì nhóm có năng lực và kỷ luật, vị trí địa lý, tư tưởng và chính trị gần với nước này", Trita Parsi, phó chủ tịch Viện Quincy, trụ sở Mỹ nói. Điều này đồng nghĩa Israel hạ sát ông Nasrallah cũng là đòn giáng vào Iran, đặt ra bài toán khó với quốc gia Hồi giáo.

Người dân tập trung biểu tình chống Israel ở quảng trường Palestine, Tehran ngày 28/9, sau khi Hezbollah xác nhận thủ lĩnh Hassan Nasrallah thiệt mạng. Ảnh: AFP

Quân đội Israel tuyên bố hệ thống lãnh đạo của Hezbollah "đã bị phá hủy gần như hoàn toàn", vì Tel Aviv đã hạ sát hàng loạt chỉ huy nhóm vũ trang.

Nếu hàng ngũ lãnh đạo Hezbollah thực sự tan rã, sự điều phối giữa Iran và nhóm bị gián đoạn, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có thể phải can thiệp để dẫn dắt, theo Ghaddar.

Trước khi ông Nasrallah bị hạ sát, quan điểm chính thức của Iran là Hezbollah đủ năng lực tự vệ. Sau đòn giáng, Tehran dường như thay đổi lập trường. "Tội ác xấu xa và hành vi liều lĩnh này chắc chắn là sự leo thang nghiêm trọng, làm thay đổi luật chơi. Thủ phạm sẽ bị trừng phạt thích đáng", đại sứ quán Iran tại Lebanon viết trên X.

Ông Parsi cho rằng Iran giờ đây không còn lý do để tránh tham gia xung đột, bởi Iran đã thấy rõ Hezbollah thực tế không thể tự vệ trước các đợt oanh tạc của Israel.

"Lúc này, uy tín của Iran với các thành viên còn lại trong trục kháng chiến có nguy cơ sụp đổ nếu Tehran không hành động", ông Parsi nhận định. "Iran có thể đối mặt tình huống 'chiến tranh ngay trước cửa', bất kể muốn hay không. Do đó, Tehran tốt hơn nên hành động trước khi Hezbollah suy yếu hơn nữa".

Farzin Nadimi, nhà nghiên cứu tại Viện Washington, cho rằng Tehran khả năng cao đang hỗ trợ Hezbollah thiết lập lại cấu trúc chỉ huy quân sự và cung cấp lời khuyên tác chiến. Nếu Hezbollah gần sụp đổ, Iran có thể "can thiệp cứng rắn hơn", như tập kích tên lửa và UAV vào Israel tương tự hồi tháng 4. Đó là lần đầu tiên Iran tung đòn tấn công trực diện vào Israel.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tại Tehran ngày 10/5. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Mehran Kamrava, giáo sư quản trị tại Đại học Georgetown, Qatar cho rằng ít nhất trong ngắn hạn, Iran sẽ không hành động. "Tehran có học thuyết gọi là kiên nhẫn chiến lược, hướng đến kết quả về lâu dài. Tôi nghĩ học thuyết này sẽ được duy trì. Họ không muốn đối đầu trực tiếp với Israel".

Amal Saad, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff, Xứ Wales cảnh báo việc Iran can thiệp có thể kéo Mỹ, đồng minh của Israel, vào cuộc chiến.

"Iran là thành viên duy nhất của trục là một quốc gia. Do đó, Iran sẽ tổn thất nặng nề nhất nếu tham chiến", bà Saad nói. "Ngoài ra, lực lượng vũ trang Iran có thể không thành công như Hezbollah trong xung đột, bởi có cấu trúc quân sự khác. Hezbollah hiểu rõ địa hình và kẻ địch hơn bất cứ ai".

Abdullah Baabood, học giả tại Trung tâm Carnegie về Trung Đông, trụ sở ở Lebanon chỉ ra "Tehran từng hứng chịu một đòn tấn công rõ ràng trên lãnh thổ nhưng không đáp trả trực tiếp", nhắc đến vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị hạ sát ở Tehran hồi tháng 7. "Tôi nghĩ Iran muốn tránh việc này bằng mọi giá. Họ hiểu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn kéo Iran vào một cuộc chiến công khai với Mỹ".

Iran cũng phải xét đến yếu tố trong nước. Xung đột diễn ra vào thời điểm nhạy cảm với tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, người muốn cải thiện quan hệ quốc tế để đưa Tehran thoát khỏi sự cô lập đã tác động đáng kể đến kinh tế nước này.

Tổng thống Pezeshkian còn phải "đi dây" giữa phe cải cách của ông, ủng hộ cải thiện quan hệ với phương Tây, và phe cứng rắn trong chính quyền muốn thể hiện sức mạnh trước Israel. Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 23/9, ông Pezeshkian nhấn mạnh Iran "sẵn sàng hạ vũ khí nếu Israel làm tương tự" và lập tức bị phe cứng rắn chỉ trích.

Khi được hỏi Iran có cân nhắc can thiệp xung đột Hezbollah - Israel hay không, Phó tổng thống Javad Zarif trả lời Tehran cảnh giác trước nguy cơ rơi vào "bẫy của Israel", được giăng ra nhằm kéo các bên khác vào xung đột, trong đó có Mỹ.

Iran và Hezbollah đã thể hiện kiềm chế trước các đòn tấn công của Israel, "nhưng giờ đây, Israel đang vượt lằn ranh đỏ, nguy cơ xảy ra chiến tranh ngày càng khó kiểm soát", ông Zarif nói. "Hezbollah đủ năng lực tự vệ, nhưng đã đến lúc cộng đồng quốc tế can thiệp để tránh tình hình vuột tầm tay".

Như Tâm (Theo CNN, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020