Hiện Airbus có hơn 150.000 nhân viên làm việc trên toàn cầu - Ảnh: LANZAJET
Theo Đài ABC News, ngày 17-10, nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus đã thông báo sẽ sa thải 2.500 nhân viên trong nỗ lực xoay chuyển tình thế khó khăn của bộ phận quốc phòng và không gian của hãng.
Airbus cho biết sẽ tiến hành những thay đổi khác trong tổ chức trước các thách thức mà hãng gặp phải, nhiều trong số đó bao gồm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, phương thức tác chiến thay đổi nhanh chóng và chi phí ngày càng "đội giá".
Thông báo được đưa ra sau khi công ty thực hiện những cải tổ ở bộ phận quốc phòng - không gian vào năm ngoái và nó mang lại hiệu quả.
“Chúng tôi muốn định hình lại bộ phận này để nó có thể trở thành một đối thủ dẫn đầu trong thị trường luôn biến động như hiện nay. Muốn như vậy, chúng tôi buộc phải nhanh hơn, tinh gọn hơn và cạnh tranh hơn”, giám đốc điều hành bộ phận quốc phòng và không gian của Airbus Mike Schoellhorn chia sẻ.
Vào năm ngoái, bộ phận này đã phải chật vật với khoản lỗ 511 triệu USD do máy bay vận tải quân sự A400M gặp nhiều trục trặc kéo dài, một phần do lạm phát tăng cao bất thường.
Ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu nhìn chung cũng phải chịu nhiều tổn thất sau khi mất quyền sử dụng tên lửa Soyuz của Nga và thất bại trong việc phóng tên lửa Vega-C - mẫu tên lửa mới của châu Âu, gặp sự cố ngay sau khi phóng từ Guiana thuộc Pháp vào cuối năm 2022.
Ngoài hai lĩnh vực trên, Airbus vẫn đang phát triển tốt khi trong 5 năm qua, hãng sản xuất này đã vượt qua Boeing cả về lượng đặt hàng máy bay và lợi nhuận.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn mà Airbus phải đối mặt là làm sao để đáp ứng nhu cầu máy bay thương mại, với số lượng đơn hàng tồn đọng tính đến tháng 6 đã lên đến 8.585 máy bay chưa được giao.
Trong khi đó, đối thủ của Airbus là Boeing vẫn đang phải chật vật để khắc phục các sự cố liên tục diễn ra từ đầu năm nay, khiến hình ảnh thương hiệu xuống cấp trầm trọng trong mắt nhà đầu tư và khách hàng.
Những tưởng Boeing đã dần phục hồi sau hai vụ tai nạn máy bay Max xảy ra vào năm 2018 và 2019 khiến 346 người thiệt mạng ở Indonesia và Ethiopia, nhưng sự cố diễn ra vào tháng 1 năm nay với lỗi phích cắm cửa trên chiếc 737 Max 9 của Alaska Airlines đã khiến công ty này lại một lần nữa rơi vào tình trạng lao đao.
Boeing sau đó đã giảm tốc độ sản xuất máy bay theo yêu cầu của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Điều này đã khiến Boeing chịu thiệt hại 355 triệu USD trong quý đầu tiên do sụt giảm số lượng máy bay được giao và khoản tiền bồi thường cho các hãng hàng không khác vì việc phải tạm ngừng bay dòng Boeing Max 9.
Boeing còn thậm chí cắt giảm nhân sự mạnh hơn đối thủ Airbus. Đầu tháng 10 năm nay, hãng sản xuất máy bay của Mỹ đã tuyên bố sẽ cắt giảm 17.000 nhân viên ở nhiều vị trí, tương đương 10% nhân sự toàn cầu, để giảm chi phí vận hành sau nhiều tháng lỗ liên tục.