VNM:
Theo báo cáo thường niên năm 2023 mới công bố, CTCP Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM) có vốn điều lệ gần 20.900 tỷ đồng. Tuy nhiên gần 77% vốn của doanh nghiệp này được sở hữu bởi 20 nhóm cổ đông.
Tổng sở hữu của các nhà đầu tư trong nước tại Vinamilk là 53,9% vốn, tăng so với mức 44,35% của năm 2022. Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 46,1% số cổ phần còn lại, trong khi năm 2022 các cổ đông ngoại nắm tới 55,6% vốn.
Công ty này có 8,5% cổ đông cá nhân và 91,5% còn lại là các cổ đông tổ chức.
Nhóm 20 cổ đông lớn nhất của Vinamilk đang nắm giữ hơn 1,6 tỷ cổ phần của Vinamilk, tương ứng khoảng 76,9% vốn công ty. Trong đó, tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp tục là cổ đông lớn nhất sở hữu 36% vốn.
Tiếp đến là nhóm F&N sở hữu 20,39% vốn (gồm F&N Dairy Investments Pte chiếm 17,69% và F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd chiếm 2,7% vốn) và Platinum Victory Pte.Ltd nắm 10,62% vốn. Tuy nhiên, năm 2023 các quỹ ngoại thuộc F&N đã 17 lần đăng ký mua gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM (tương đương 1% vốn của Vinamilk) rồi không thực hiện với cùng lý do điều kiện thị trường không phù hợp.
Platinum Victory là quỹ đầu tư trực thuộc tập đoàn Jardine Matheson của Hongkong. Tập đoàn này hiện còn là cổ đông chiến lược của THACO và REE.
Ngoài những cổ đông lớn ở trên, các nhà đầu tư của VNM còn có sự tham gia của rất nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Các quỹ đầu tư này cũng đã có một năm bận rộn khi có những giao dịch mua đi bán lại cổ phần của Vinamilk.
Trong năm 2022, có nhiều cái tên mới xuất hiện trong danh sách 20 cổ đông lớn nhất của Vinamilk bao gồm Norges Bank nắm giữ 10,8 triệu cổ phiếu (0,52%); KIM Vietnam Growth Equity Fund nắm giữ 9,5 triệu cổ phần; Ozena Emerging Markets Value Fund nắm giữ 8,6 triệu cổ phần; Invesco Asian Fund nắm giữ 7,9 triệu cổ phần; Invesco Funds nắm giữ 7,4 triệu cổ phần và Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore nắm giữ 7,3 triệu cổ phần. Rất nhiều quỹ trong số này đã bán đi trong năm 2022 nhưng sau đó lại mua lại vào năm 2023.
Bên cạnh sự góp mặt của những cổ đông mới, những cổ đông không còn trong top 20 năm nay đó là Chroder International Selection Fund, FSSA Asian Equity Plus Fund, Prudential Việt Nam, HSBC, Federated Hermes Invesment Funds hay JP Morgan.
Về phía những nhà đầu tư mua thêm đáng chú ý có Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua thêm 5 triệu đơn vị nâng tổng sở hữu lên1,28% vốn và trở thành cổ đông lớn thứ 5 của Vinamilk. Đây cũng là năm thứ hai liên quỹ này mua ròng cổ phiếu VNM. Ngoài ra còn có Vaneck Vietnam ETF mua thêm 6,5 triệu cổ phiếu, Manulife Vietnam mua 1,1 triệu cổ phiếu hay Vanguard International Value Fund mua thêm 5,1 triệu cổ phiếu.
Ngược lại những nhà đầu tư bán ra trong năm qua gồm Matthews Pacific, Mawer Global Small Cap Fund, Merrill Lynch Intenational, BL hay Citigroup Global Markets Value Funds.
Một phần cho việc nhiều quỹ ngoại đã giảm tỷ lệ sở hữu hoặc bán sạch cổ phiếu VNm trong năm qua có thể là do sự đi xuống của cổ phiếu này. Cụ thể, trong khi VN - Index năm qua đã tăng 8% thì chốt phiên 29/12/2023 cổ phiếu của Vinamilk lại giảm 14% kể từ đầu năm.
Đến đầu năm 2024, cổ phiếu VNM của Vinamilk là một trong những tâm điểm khi liên tục rơi vào top bị bán ròng mạnh nhất sàn. Tính riêng từ giai đoạn 1/3- 15/3 VNM đã bị khối ngoại bán ròng 870 tỷ đồng qua đó nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm 2024 lên hơn 2.500 tỷ, lớn nhất thị trường. Kể từ khi đảo chiều tháng 10 năm ngoái, khối ngoại đã bán ròng 5 tháng liên tiếp trên cổ phiếu này.
Nhìn chung, dòng tiền ngoại không "mặn mà" với cổ phiếu VNM những năm gần đây một phần do Vinamilk gặp khó với bài toán tăng trưởng. Sau giai đoạn bùng nổ, doanh thu của Vinamilk đã chững lại quanh mức 60.000 tỷ trong vài năm trở lại đây. Lợi nhuận ròng sau thời gian dài duy trì trên 10.000 tỷ cũng sụt giảm mạnh trong năm 2022 xuống dưới 9.000 tỷ.
Tình hình đã khả quan hơn trong năm 2023 khi lợi nhuận ròng của Vinamilk đã tăng trưởng dương trở lại sau 2 năm liên tiếp đi lùi. Mặc dù mức tăng chỉ hơn 5% nhưng đây vẫn là một kết quả đáng ghi nhận trong một năm Vinamilk nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, nổi bật với chiến lược thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhằm đáp ứng sự phát triển của thế hệ người tiêu dùng mới, mở rộng đối tượng khách hàng không bị giới hạn độ tuổi và thúc đẩy hình ảnh ra các thị trường thế giới.