Theo Wall Street Jounal, các quan chức Mỹ đang cáo buộc CMOC Group đang thâu tóm thị trường. Theo đó, nhiều công ty khác gặp khó khăn trong việc đầu tư vào sản xuất coban, loại khoáng sản được dùng trong máy bay phản lực, đạn dược, máy bay không người lái và pin xe điện.
CMOC bắt đầu hoạt động vào năm 1969 với tư cách là chủ sở hữu nhà nước của một hoạt động chế biến molypden. Công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Thượng Hải, Cathay Fortune, nắm giữ cổ phần lớn nhất vào năm 2004 với giá trị tương đương chưa đến 30 triệu USD. Hiện CMOC được định giá hơn 20 tỷ USD.
Sự trỗi dậy bất ngờ của một công ty ít người biết đến lên vị trí thống trị của ngành khai khoáng cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang lan rộng tầm ảnh hưởng đến toàn cầu như thế nào.
Diễn biến này cũng gắn liền với vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện và pin xe điện. Coban đang đóng vai trò quan trọng hơn trong pin xe điện, nhờ mật độ năng lượng cao giúp phương tiện này có thể đi xa hơn chỉ với 1 lần sạc.
Coban là nguyên liệu quan trọng để sản xuất máy bay phản lực, đạn dược, máy bay không người lái và pin xe điện.
Trong khi đó, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, CATL của Trung Quốc, nắm giữ 1/4 cổ phần trong CMOC thông qua 1 công ty con. CATL có 2 đại diện trong HĐQT của CMOC.
CMOC đã “chơi lớn” ngay từ bước khởi đầu. Công ty này thực hiện 2 thoả thuận ở CH Congo với công ty Mỹ Freeport-McMoRan , một lần vào năm 2016 với thương vụ 2,65 tỷ USD và 4 năm sau đó với 550 triệu USD.
CEO và chủ tịch của Freeport, Richard Adkerson, cho biết sau khi ký kết thoả thuận đầu tiên: “Tôi rất buồn khi phải làm việc này.”
Công ty có trụ sở tại Phoenix nói rằng họ cần giảm nợ trong thời kỳ ngành đang suy thoái và sau khi thoả thuận đó diễn ra, việc nắm giữ khu mỏ thứ 2 chưa được phát triển là không hợp lý.
Trong bối cảnh đó, CMOC có tầm nhìn xa hơn. Cựu chủ tịch CMOC, Li Chaochun, cho biết vào năm 2016 rằng đó có thể là thời điểm không thuận lợi với ngành khai thác, nhưng thoả thuận này có thể mang lại hy vọng.
CMOC cho biết họ có thể thúc đẩy sản xuất ở khu mỏ thứ 2, gần làng Kisanfu của Congo, trong khoảng thời gian kỷ lục so với quy mô, đưa công ty vượt qua Glencore để trở thành công ty khai thác coban số 1 thế giới.
Sản lượng coban của COMC trong nửa đầu năm nay đã tương đương với cả năm ngoái. Theo Benchemark Mineral Intelligence, công ty dự kiến sẽ sản xuất khoảng 92.000 tấn coban tại Congo vào năm 2024, tương đương 38% nguồn cung toàn cầu. Do nguồn cung tăng vọt, giá coban đang ở mức thấp nhất trong 8 năm.
Một cơ sở khai thác coban của CMOC tại CH Congo.
Các quan chức phương Tây cho biết, quyết định thúc đẩy sản lượng coban của CMOC, thay vì giữ trong kho dự trữ, đang cản trở hoạt động đầu tư của các công ty khác.
Tại một vùng xa xôi của Idaho, một công ty Úc có tên là Jervois Global trả khoảng 1 triệu USD một tháng để duy trì một mỏ đang ngừng hoạt động. Đây sẽ là mỏ duy nhất tập trung vào coban tại Mỹ. Công ty này cũng có một nhà máy tinh chế coban đã đóng cửa ở Brazil.
CEO Bryce Crocker cho biết mỏ coban ở Idaho không thể mang lại lợi nhuận. Ông nói thêm, mỏ Kisanfu, hiện là mỏ coban lớn nhất thế giới, "rõ ràng là một bước thay đổi lớn về nguồn cung, cần thời gian để thị trường hấp thụ".
Trong khi đó, đại diện của COMC nói rằng việc dự trữ coban là tốn kém và không hiệu quả, vì coban đang và sẽ là thị trường của người mua. Người này cũng bác bỏ quan điểm cho rằng CMOC đang muốn thống trị một thành phần quan trọng trong pin xe điện vì nhiều hoá chất khác có tỷ lệ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng coban vẫn là yếu tố quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô của phương Tây.
Năm ngoái, Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu gali, germani và than chì - các khoáng chất cần thiết cho chip và pin hiệu suất cao. Quyết định này là dấu hiệu thể hiện quyền kiểm soát của nước này với các nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới và khả năng khiến phương Tây gặp gián đoạn.
Các công ty khai thác của Trung Quốc thường giao dịch rất nhanh chóng, nhờ các khoản vay từ các ngân hàng do nhà nước hậu thuẫn. Còn các công ty phương Tây có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho các mỏ.
Tham khảo WSJ