Chuyên mục  


Quyết định của Mỹ trong việc đưa Ngân hàng Gazprombank (Nga) vào danh sách trừng phạt đặt ra mối nguy cho an ninh năng lượng Trung Âu, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói.

Vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 50 tổ chức tài chính của Nga, bao gồm Gazprombank và 6 công ty con quốc tế của tập đoàn này.

gas-1732370471651-1732370471787540169364.jpg

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (phải) và Thứ trưởng năng lượng Nga Pavel Sorokin. Ảnh RT.

Việc bị loại khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT đồng nghĩa với việc Gazprombank không thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD. Là ngân hàng lớn thứ 3 của Nga, Gazprombank thực hiện chính các giao dịch liên quan đến dầu khí và năng lượng. Trước khi bị đưa vào danh sách trừng phạt, đây là ngân hàng lớn cuối cùng của Nga vẫn giữ được quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

“Việc đưa Gazprombank vào danh sách trừng phạt đặt một số quốc gia Trung Âu vào thế khó và gây tổn hại tới nguồn cung năng lượng cho một số quốc gia trong khu vực”, Ngoại trưởng Hungary viết trên Facebook vào thứ Sáu (22/11).

“Bất kỳ biện pháp nào nhằm gây tổn hại tới nguồn cung năng lượng cho Hungary thông qua áp đặt lệnh trừng phạt hoặc cắt đường trung chuyển đều bị coi là vi phạm chủ quyền của chúng tôi”, ông Szijjarto nói.

Ông cũng nhấn mạnh Budapest sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trong mọi hoàn cảnh.

Nhà ngoại giao Hungary cho biết ông đã thảo luận vấn đề cung cấp khí đốt với Thứ trưởng năng lượng Nga, Pavel Sorokin, bên lề Diễn đàn Năng lượng Istanbul diễn ra vào ngày 22/11.

“Chúng tôi đã xem xét tình hình và cam kết hợp tác cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn cho Hungary”, ông Szijjarto nhấn mạnh.

Hungary là một trong những quốc gia EU phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga. Ngoại trưởng Szijjarto cho biết thêm Hungary cũng đang thảo luận với bộ trưởng năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Bulgaria và Serbia, đồng thời tham vấn với Slovakia, để tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Các biện pháp trừng phạt đối với Gazprombank diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, EU vẫn là một trong những khách hàng lớn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), khí đốt qua đường ống từ Nga chiếm tới 54% tổng lượng nhiên liệu hóa thạch mà EU nhập khẩu vào tháng 8, trong khi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm 25%.

Theo RT

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020