Sinh viên ngành bác sĩ răng - hàm - mặt, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) học tiết thực hành - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trên mạng xã hội vừa xuất hiện bài đăng về vấn đề này, gây xôn xao dư luận.
Bệnh viện từ chối bằng bác sĩ nha khoa
Một cựu sinh viên ngành bác sĩ răng - hàm - mặt, Trường Y Dược - Đại học Duy Tân, cho biết mình vừa tốt nghiệp khóa đầu tiên ngành này vào đầu tháng 10-2024.
Khi nhận được bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên thắc mắc vì trên bằng ghi là "bằng bác sĩ nha khoa" trong khi mình học ngành bác sĩ răng - hàm - mặt, và có phản ánh lại với thầy cô.
Một cựu sinh viên khác cho biết sau khi ra trường, cầm bằng tốt nghiệp đi xin việc thì bệnh viện từ chối, không chấp nhận bằng bác sĩ nha khoa.
"Tôi hỏi một cựu sinh viên tốt nghiệp ngành bác sĩ răng - hàm - mặt của trường khác thì bằng của họ ghi rõ là bằng bác sĩ răng - hàm - mặt. Tôi rất hoang mang", người này nói.
Trước thông tin trên, nhiều sinh viên và phụ huynh có con đang học ngành bác sĩ răng - hàm - mặt tại Đại học Duy Tân cũng tỏ ra lo lắng và đặt câu hỏi tương lai tốt nghiệp, sinh viên sẽ được nhận bằng gì.
Trường chắc chắn bằng bác sĩ răng - hàm - mặt
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 24-11, ông Trần Hữu Dàng, hiệu trưởng Trường Y Dược - Đại học Duy Tân, cho biết vì có hai nghị định "vênh nhau" nên dẫn đến sự việc trên.
Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học quy định văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ tuyền và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật khám chữa bệnh quy định cơ sở hướng dẫn thực hành đối với chức danh bác sĩ gồm bác sĩ y khoa, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền và bác sĩ răng - hàm - mặt.
Ông Dàng cho biết: "Trường làm theo nghị định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không tự sáng tác ra bằng này. Nhưng khi các em đi nộp đơn xin việc ở bệnh viện thì họ không nhận, không chấp nhận là bằng bác sĩ nha khoa.
Ban giám đốc Đại học Duy Tân đã nhanh chóng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối cùng chúng tôi đã làm việc được rồi, thống nhất chính xác là bằng bác sĩ răng - hàm - mặt".
Một cựu sinh viên đăng lên mạng thông tin tên bằng là "bác sĩ nha khoa" khác với tên ngành học - Ảnh FB
Ông Dàng cho hay ông và nhà trường rất thông cảm, chia sẻ với những lo lắng của sinh viên và phụ huynh khi vào trường học bác sĩ răng - hàm - mặt, theo 6 năm học đến khi ra trường lại cầm bằng bác sĩ nha khoa.
"Nhà trường đã làm hết sức mình, chạy tất bật để có kết quả sớm nhất. Chúng tôi đã in lại phôi bằng mới. Chắc chắn tuần tới phát lại bằng cho sinh viên.
Tôi cũng khẳng định tất cả sinh viên học ngành này tại trường đều nhận bằng bác sĩ răng - hàm - mặt", ông Dàng nói.
Tỉ lệ tốt nghiệp xuất sắc 23%, giỏi 62%
Theo thông tin từ Đại học Duy Tân, trong khóa tốt nghiệp đầu tiên, ngành bác sĩ răng - hàm - mặt, có 14 sinh viên đạt loại xuất sắc và 37 sinh viên đạt loại giỏi trong tổng số 60 sinh viên theo học.
Thủ khoa tốt nghiệp đạt điểm trung bình là 3,77/4,0.