Sa Ri tại lớp dạy ngoại ngữ cho trẻ em ở Trung tâm ngoại ngữ Cần Đước, Long An - Ảnh: NVCC
Tôi lớn lên trên những giọt mồ hôi vất vả của ba và gánh nặng oằn vai gầy của mẹ tại một vùng quê Cần Đước, Long An nghèo khó.
Khi bắt đầu nhận thức được cuộc sống của mình không giống như bao đứa con bình thường khác, đó là lúc tôi tròn 3 tuổi qua lời kể của mẹ. Một buổi sáng mẹ gọi tôi thức dậy, gọi mãi mà tôi không chịu ngồi dậy, chân tôi lạnh ngắt không còn cử động được nữa.
Bầu trời trong mắt mẹ tôi trở nên một màu xám xịt. Ẵm tôi trên tay, chạy ngay đến trạm y tế xã, tức tốc tôi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM). Sau nhiều giờ chờ đợi thấp thỏm, một hung tin đã ập đến: Cơn sốt bại liệt đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân của tôi rồi!
Nước mắt mẹ dường như khô cạn, còn ba tôi như chết đứng sững sờ. Từ cái ngày "định mệnh" ấy, mẹ tôi trở nên trầm cảm hơn, một nỗi đau quá lớn vì lo cho cuộc sống sau này của tôi sẽ ra sao khi suốt ngày chỉ ngồi một chỗ, không bò, không di chuyển, đặt đâu ngồi đấy…
Hai mẹ con Sa Ri và Tiểu Quyên. Khi chở con đi xa, cô mang cả chiếc xe lăn theo. Đặt chiếc xe lăn trên xe gắn máy ba bánh, Tiểu Quyên ngồi lên phần lưng tựa xe lăn đã đặt nằm trên yên xe máy, và cứ thế hai mẹ con thường xuyên đi 40km từ Long An lên TP.HCM - Ảnh: NVCC
Nghe ai nói nơi nào có thầy hay, bác sĩ giỏi, ba mẹ đều tìm đến chạy chữa cho tôi. Nhưng đôi chân tôi vẫn bất động. Chỉ có nhẫn cưới của ba mẹ, đôi chút tài sản có giá trị trong nhà thì như mọc chân chạy đi hết! Rồi ba mẹ phải đi vay mượn, chạy tìm đủ thầy từ Tây sang Đông y nhưng tất cả đều vô vọng.
Lớn lên, tôi biết căn bệnh khiến đôi chân tôi bị bất động là do sốt bại liệt. Và điều đó lẽ ra được ngăn chặn nhờ vắc xin, vốn đã có ở Việt Nam từ rất lâu trước khi tôi ra đời.
Nhưng tôi đã không được tiêm uống vắc xin ấy, vì bà nội bảo rằng cần gì, đời nội có cần vắc xin gì đâu… Mẹ thì biết suy nghĩ của nội là không đúng, nhưng vì về làm dâu ở trong nhà chồng làm sao dám cãi?
Suốt một thời gian dài kể từ khi biết ăn biết nghĩ, trong đầu tôi cứ lúc nào cũng ong ong những suy nghĩ gắn với mấy từ "Nếu" và "Giá như"! Vâng, nếu tôi được tiêm vắc xin thì đâu có bị bại liệt?
Nhưng, tôi không bao giờ oán trách nội và mẹ. Vì tôi biết đó là hoàn cảnh. Nội vì thương cháu, sợ tiêm về bị hành sốt. Mẹ thì trong cuộc sống của ngày xưa, làm sao dám cãi lời mẹ chồng. Ai cũng thương mình cả, chỉ vì mình thiếu may mắn thôi.
Một chuyến đi chơi biển của hai mẹ con - Ảnh: NVCC
Tôi có 4 chị em gái. Chị hai cũng không tiêm vắc xin như tôi, nhưng chị may mắn không bị gì. Tuy nhiên, sau câu chuyện của tôi thì nội đã thay đổi, hai em gái tôi ra đời sau tôi lần lượt 7 và 14 năm thì được tiêm vắc xin đầy đủ, và đương nhiên cả hai đều khỏe mạnh.
Nhưng hình như ông Trời không lấy hết của ai cái gì. Đôi chân tôi bất động, nhưng tôi ham học lắm. Dù nhà nghèo rớt mồng tơi, nhưng tôi nung nấu phải học, phải học. Tôi từng đi bán khoai lang, làm gia công hoa giấy, cắt chỉ… để kiếm tiền đi học.
Và trên đường đời, tôi cũng gặp được nhiều người giúp đỡ. Như ở Đại học Hùng Vương, lãnh đạo trường đã cho tôi học bổng. Nhờ vậy, tôi đã lấy được bằng cử nhân Anh văn để giờ đây được làm việc tại Trung tâm ngoại ngữ huyện Cần Đước, Long An.
Đi ở trọ, tôi được các chị ở Mái ấm khuyết tật Mùa Xuân rủ đi tập bơi cho khỏe, rồi từ đó, không chỉ đam mê, tôi còn cố bơi để đoạt huy chương Para Games nhằm kiếm tiền thưởng lo cho con gái của mình được đủ đầy.
Mục tiêu lớn nhất trong đời của tôi bây giờ là phải làm sao để cuộc đời bé Tiểu Quyên của tôi không bao giờ phải "Nếu" và "Giá như" như mẹ nó…
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.