Với phần mềm PACS, tất cả các hình ảnh chụp chiếu được lưu giữ và truyền tải, bệnh viện không phải mua và in phim như trước - Ảnh minh họa
Theo một giám đốc bệnh viện tại Hà Nội, từ vài năm nay bệnh viện này đã giảm chi phí mua phim chụp chiếu các loại khoảng 8 tỉ đồng/năm, thay vào đó là đầu tư mua thiết bị và thuê phần mềm PACS, là phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế, chỉ tốn 1,2 tỉ đồng/năm.
Người bệnh chụp chiếu các loại xong không phải nhận phim mà có thể xem kết quả chụp ngay trên điện thoại, máy tính. Chưa kể lợi ích lâu dài là giảm ô nhiễm môi trường bởi phim y tế bằng nhựa tồn tại hàng trăm năm không tự hủy.
Tuy nhiên điều khó khăn là bệnh viện đầu tư và tích cực số hóa nhưng không được phía bảo hiểm chi trả đầy đủ chi phí chụp chiếu, phần in phim (với phim chụp X-quang khoảng trên 40.000 đồng, chụp CT khoảng 500.000 đồng...) là không được chi trả nữa.
Các bên đều được lợi nhưng mỗi bệnh viện lại thiệt nhiều tỉ/năm dù dịch vụ vẫn thực hiện.
Lý giải việc này, ông Trần Quý Tường, nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện là chủ tịch Hội Tin học y tế, cho biết hiện cả nước chỉ có 22 bệnh viện được tham gia đề án thí điểm từ năm 2018 được chi trả chi phí chụp chiếu và lưu trữ bằng PACS, thay vì chụp và in phim như trước.
Hiện nhiều bệnh viện đã sử dụng PACS và chưa được chi trả chi phí này, thiệt hại lớn do có đầu tư nhưng không thu được phí. Điểm nghẽn là hiện Bộ Y tế chưa xây dựng được giá chụp chiếu và truyền tải bằng PACS, mặc dù đã có nhiều phiên họp để bàn thảo.
Trong khi sử dụng PACS có quá nhiều lợi ích: giảm chi phí mua phim, lợi ích về môi trường, người bệnh không phải cầm phim chụp tránh thất lạc...
"Có ý kiến đề xuất chi phí để chụp chiếu và truyền tải bằng PACS tương đương chi phí chụp phim, tại Hàn Quốc giá sử dụng PACS cao hơn chụp phim 20% do phí thuê phần mềm và lương y bác sĩ cao, nhưng ở Việt Nam do phí thuê phần mềm rẻ nên nhiều ý kiến nêu chỉ nên bằng 50% giá chụp và in phim" - ông Tường nêu.
Tuy nhiên dù rẻ bằng 1/2 hay bằng bao nhiêu thì rất cần sớm có giá để bệnh viện thực hiện, qua đó giảm thiệt hại cho bệnh viện. Theo ông Tường, do đầu tư nhưng không thu được phí nên dù thực hiện PACS nhiều lợi ích nhưng nhiều bệnh viện chưa dám làm, từ đó chưa nhân rộng được hình thức này.