Chuyên mục  


Hai ngày trước, một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức chết não. Gia đình đồng ý hiến tạng, với điều kiện không tiết lộ thông tin chi tiết. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia thông báo đến các đơn vị ghép tạng tìm bệnh nhân phù hợp để nhận tạng.

Các thông số cho thấy trái tim của người hiến phù hợp với một bệnh nhân nam 31 tuổi ở Thừa Thiên - Huế. Người này mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim 13 năm qua. Anh được điều trị nội khoa tối ưu, đến nay chức năng tim không cải thiện và chờ đợi cơ hội để được ghép tim.

Một kíp bác sĩ mang theo mẫu máu của người bệnh ra Hà Nội để nhận tạng. Phương án điều phối tạng liên tục thay đổi do phải tính toán sự phù hợp giữa thời điểm mổ lấy tim và các chuyến bay trong ngày 6/7. Chiều cùng ngày, khi các bác sĩ bắt đầu phẫu thuật lấy tạng lúc 17h20 thì tuyến bay Hà Nội - Huế chỉ còn một chuyến cuối cùng cất cánh vào lúc 19h35. Không may, thời gian mổ lấy tim ra khỏi lồng ngực người hiến thực tế dài hơn dự kiến.

Hãng hàng không quyết định thông báo với hành khách và cáo lỗi rằng chuyến bay phải chậm lại hơn 20 phút, để cùng chờ đưa trái tim về Huế. Máy bay hạ cánh sân bay Phú Bài (Huế) lúc 21h25, trái tim được đưa ngay về Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.

Khi ấy, ê kíp tại bệnh viện đã mở ngực bệnh nhân chờ nhận, trái tim về đến nơi được đặt ngay vào lồng ngực ghép. Hơn một tiếng đồng hồ sau, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận. Một ngày sau ghép tim, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tim tốt.

Bệnh nhân khỏe lại sau ca ghép tim. Ảnh: Lan Hương

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết sự phối hợp của các bên gồm bệnh viện, cảnh sát giao thông, hãng hàng không, hành khách trên máy bay, đã giúp mang lại sự sống cho một bệnh nhân. "Không tồn tại bất kỳ sự mệt mỏi nào trong hành trình chung tay tiếp nối sự sống", bác sĩ Hiệp nói.

Ghép tim là một ca phẫu thuật khó trong các loại hình ghép tạng. Thời gian lấy trái tim ra khỏi lồng ngực người hiến đến khi đặt vào ngực của người nhận khoảng trong 4 giờ, cơ hội ghép thành công rất cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

30 năm qua, Việt Nam đã tiến hành hơn 6.500 ca ghép tạng thành công, trong đó hơn 6.000 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Đến nay Việt Nam có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 nơi ghép gan, 3 nơi ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận khoảng 170.000 đơn đăng ký hiến tạng sau chết, chết não. Nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.

Lê Nga - Gia Chính - Võ Thạnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020