Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung một lượng nhỏ muối vào nước uống có thể giúp tăng cường quá trình hydrat hóa, đặc biệt khi bạn tập thể dục cường độ mạnh hoặc sống ở vùng khí hậu nóng, nơi dễ bị mất nước và chất điện giải - Ảnh: spoonuniversity
Thêm muối để ngăn mất nước
Vai trò của natri, thành phần chính của muối, trong quá trình hydrat hóa của cơ thể là rất quan trọng. Natri hoạt động như một nam châm, hút nước vào tế bào. Khi chúng ta uống nước, nước sẽ được vận chuyển qua máu và đi vào các tế bào cơ thể, nơi nó được sử dụng cho các chức năng cần thiết.
Tuy nhiên quá trình này phụ thuộc vào sự cân bằng các chất điện giải, đặc biệt là natri, để đi vào và ra khỏi tế bào đúng cách.
Khi chúng ta tập thể dục hoặc mồ hôi nhiều sẽ không chỉ mất nước mà còn mất chất điện giải. Để bổ sung các chất điện giải đã mất và làm tăng quá trình hấp thụ nước tốt hơn, các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị thêm muối một lượng nhỏ vào nước uống. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và đảm bảo sự hydrat hóa tốt hơn.
Ngoài ra, muối còn bổ sung chất điện giải bị mất, do đó đặc biệt có lợi cho vận động viên và những người thường xuyên tham gia hoạt động thể chất mạnh. Uống nước muối hoặc đồ uống thể thao có thể giúp bổ sung chất điện giải bị mất này, cải thiện quá trình hydrat hóa và có thể cải thi thiện hiệu suất tập luyện.
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc bổ sung muối cũng có thể hữu ích trong điều kiện nóng ẩm khi mọi người đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, gây mất nước và mất chất điện giải. "Uống nước muối có thể giúp thay thế những chất bị mất này và ngăn ngừa mất nước cũng như các vấn đề liên quan đến nhiệt".
Hơn nữa, những người bị bệnh, ốm lâu ngày khiến mất nhiều chất lỏng và chất điện giải do nôn mửa, tiêu chảy cũng có thể được hưởng lợi từ việc uống các đồ uống chứa muối.
Loại muối được sử dụng cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định liệu việc bổ sung muối vào nước uống có lành mạnh hay không - Ảnh: iStock
Nên thêm bao nhiêu muối vào nước?
Theo Health, lượng muối mà một người thêm vào nước uống phụ thuộc vào mức độ hoạt động, tốc độ đổ mồ hôi và điều kiện môi trường của họ.
Ví dụ một vận động viên chạy trong 1 giờ có thể mất từ 1.300 đến 5.500 mg muối qua việc đổ mồ hôi, thì nên thêm từ ½ đến 1 thìa muối vào đồ uống phục hồi hoặc tập trung vào việc bổ sung đồ mặn trong bữa ăn sau khi tập luyện.
Khuyến nghị tiêu chuẩn cho hầu hết mọi người là không vượt quá 2.300 mg natri mỗi ngày. Tuy nhiên Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đề xuất rằng những người có huyết áp cao hoặc tiểu đường chỉ nên tiêu thụ dưới 1.500 mg natri mỗi ngày (1 muỗng cà phê muối chứa khoảng 2.300 mg).
Việc bổ sung muối vào nước uống cũng cần được tiến hành cẩn thận và không nên lạm dụng. Sử dụng quá nhiều muối có thể gây ra tình trạng mất cân bằng điện giải và tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Ngoài ra, loại muối được sử dụng cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định liệu việc bổ sung muối vào nước uống có lành mạnh hay không. Có rất nhiều loại muối tốt cho sức khỏe, chẳng hạn muối tinh luyện (thường thấy trong mọi căn bếp), muối biển, muối Kosher, muối iot...
Trong đó, muối biển hoặc muối Himalaya chứa các khoáng chất tự nhiên và có lợi cho sức khỏe hơn so với muối bột thông thường.
Tóm lại, việc bổ sung muối vào nước uống để tăng phần hydrat hóa có thể có lợi trong một số trường hợp như tập luyện cường độ cao, sống ở vùng khí hậu nóng và trong quá trình phục hồi sau hoạt động vận động.
Tuy nhiên, lượng muối cần bổ sung và loại muối sử dụng cần được điều chỉnh cẩn thận, và người dùng nên tuân thủ khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ để đảm bảo sự cân bằng và an toàn cho sức khỏe của mình.