Trả lời:
Tình trạng đỏ mặt sau khi uống rượu bia khác nhau ở mỗi người, có người đỏ mặt rất nhanh, người chỉ hơi đỏ, thậm chí có người không hề bị. Nguyên nhân chính là quá trình chuyển hóa ethanol trong cơ thể, cụ thể là enzyme ALDH2 hoạt động kém, khiến acetaldehyd – chất trung gian trong quá trình chuyển hóa – bị tích tụ, từ đó gây hiện tượng đỏ mặt.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp dễ bị giãn mạch ở vùng mặt hoặc toàn thân khi tiêu thụ đồ uống có cồn, làm mặt đỏ lên. Nếu uống quá nhiều, cơ thể có thể bị ngộ độc cồn, gây co mạch máu với biểu hiện tái nhợt, chóng mặt và cảm giác chếnh choáng.
Ngoài ra, bệnh lý hệ thống như lupus, vẩy nến, viêm da tiếp xúc hoặc dị ứng cồn cũng có thể làm da đỏ ở mặt hoặc toàn thân, kèm theo hiện tượng ngứa ngáy sau khi uống rượu.
Do vậy, tình trạng đỏ mặt hoặc tái mặt sau uống rượu không phản ánh khả năng uống rượu tốt hay kém, mà liên quan đến nhiều yếu tố như quá trình chuyển hóa, phản ứng mạch máu và tình trạng sức khỏe. Nếu một người trước đây không bị đỏ nhưng gần đây lại xuất hiện triệu chứng đỏ mặt hoặc toàn thân khi uống, cần kiểm tra chức năng gan, thận để phát hiện kịp thời các bệnh lý như viêm gan, xơ gan hoặc tổn thương gan.
Đỏ mặt sau uống rượu bia không chứng tỏ tửu lượng kém mà do nhiều nguyên nhân như quá trình chuyển hóa, phản ứng mạch máu, tình trạng sức khỏe. Ảnh: Thu Hiền
Gần Tết, bạn nên uống rượu bia đúng cách, không lạm dụng, phù hợp. Nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky.
Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư MạnhPhó giám đốc trung tâm tim mạch và đột quỵ, Bệnh viện Quốc tế Phương Đông Hội bệnh mạch máu Việt Nam