Chuyên mục  


Sáng nay, Công an TP HCM, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lào Cai, Sơn La, Hải Dương và các tỉnh thành cả nước đồng loạt ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) cơ sở. Đây sẽ là "cánh tay nối dài" của công an xã trong việc bám sát địa bàn, phối hợp, hỗ trợ đắc lực nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở tại TP HCM, sáng 1/7. Ảnh: Thanh Tùng

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Trong đó quy định lực lượng này được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng được hình thành từ Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở khu phố, ấp (Tổ).

Theo đó, TP HCM đã thành lập 4.861 Tổ với 15.031 thành viên, Hà Nội dự kiến thành lập hơn 5.430 Tổ với 21.270 thành viên, thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ: nắm tình hình về an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; PCCC và cứu nạn, cứu hộ; quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Lực lượng này sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; được trang bị công cụ hỗ trợ như: dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp, găng tay bắt dao... Người bị thương, tử vong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Lực lượng ANTT ở cơ sở sẽ có 6 nhiệm vụ, trong đó có bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Thanh Tùng

Tham dự lễ ra mắt lực lượng tại TP HCM có Chủ tịch nước Tô Lâm; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Giám đốc Công an TP HCM - trung tướng Lê Hồng Nam, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, lãnh đạo các bộ ngành trung ương và các tỉnh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi TP HCM và các tỉnh thành, địa phương trong cả nước đã triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và hôm nay chính thức ra mắt lực lượng. Ông đánh giá, lực lượng "thực sự là cánh tay nối dài" của công an trong nhiệm vụ phục vụ nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.

Chủ tịch nước đánh giá tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp, âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm ngày càng quyết liệt, tinh vi và nguy hiểm hơn. Vì thế, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ góp phần giữ vững môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh hơn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn TP.

"Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là lực lượng quần chúng đắc lực, tinh nhuệ, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Không để mẫu thuẫn nhỏ tạo thành vụ việc lớn, phát sinh tội phạm và tạo thành các điểm nóng", ông Tô Lâm nói.

Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; quan tâm xây dựng, bố trí, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo hoạt động và chế độ chính sách cho lực lượng này...

Tại Nghệ An, thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Công an (trái) tham dự lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, sáng 1/7. Ảnh: Đức Hùng

Nhóm phóng viên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020