Các đường bay kết nối Việt Nam với Úc của Vietjet đã góp phần đưa nhiều du khách Úc tới Việt Nam trong 6 tháng qua - Ảnh: Tài Nguyên
Nỗ lực khai thác các thị trường mới, tiềm năng
Trong sáu tháng đầu năm 2023, Vietjet liên tiếp mở các đường bay thẳng kết nối các thành phố của Việt Nam và Úc. Vào đầu tháng 7 vừa qua, hãng cũng đã công bố đường bay thứ bảy tới Ấn Độ với 32 chuyến/tuần. Đây là hai thị trường mới lớn nhất được Vietjet tiên phong khai thác trong thời gian qua.
Theo Cục thống kê Australia, gần 82.000 du khách Australia đến Việt Nam trong quý I năm nay, tăng 14,4% so cùng kỳ 2019. Theo tờ The Sydney Morning Herald, Việt Nam đang là điểm đến được nhiều người Australia quan tâm với lượt tìm kiếm TP.HCM trên nền tảng đặt chỗ Kayak nửa cuối năm nay tăng 140% so cùng kỳ 2019, chủ yếu do những hoạt động quảng bá cuốn hút khi Vietjet vào thị trường nước này.
Đối với thị trường Ấn Độ - một thị trường rất lớn hoàn toàn mới với tất cả các hãng bay, Vietjet tiên phong đầu tu khai thác từ mùa hè năm 2022.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng du khách Ấn Độ tới Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đạt 141.000 lượt khách, đã vượt qua tổng lượng khách Ấn Độ trong cả năm 2022. Dự kiến con số này sẽ tăng lên đến 500.000 trong năm 2023, tăng trưởng 250% so với năm ngoái.
Ông Omri Morgenshtern, CEO của ứng dụng đặt phòng Agoda, thậm chí còn dự đoán lượng khách Ấn tới Việt Nam năm nay sẽ tăng đến 1.000% so với trước dịch. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của khách Ấn Độ trong 5 năm trước dịch (2015-2019) - và trước khi Vietjet mở loạt đường bay thẳng - chỉ là khoảng 26,7%.
Theo trang thông tin du lịch quốc tế Travel Daily Media, khách du lịch Ấn Độ đang dần chuyển hướng từ những địa điểm quen thuộc tại Đông Nam Á như Thái Lan hay Singapore sang Việt Nam nhờ chính sách visa điện tử và visa nhập cảnh sân bay tiện lợi dành cho người Ấn cũng như hàng loạt đường bay thẳng của Vietjet nối khu vực Tây và Trung Nam Ấn Độ tới các thành phố lớn tại Việt Nam.
Tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương chào đón hành khách đến từ thị trường mới (Ấn Độ) trên một chuyến bay của Vietjet - Ảnh: Tài Nguyên
Ông Michael Hickey, Phó tổng giám đốc Vietjet, cho biết thị trường Ấn Độ và Úc là hai thị trường cực kỳ tiềm năng đối với ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Không chỉ Úc, Ấn Độ, Vietjet cũng đang nhắm tới nhiều thị trường mới trong năm nay, bên cạnh việc khôi phục, mở lại, và khai trương thêm đường bay tới các thành phố mới tại thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…
Trong nửa đầu năm 2023, Vietjet đã tiên phong mở đường bay quốc tế, thu hút đầu tư và du lịch từ các nước đến Việt Nam thông qua 11 đường bay quốc tế, vượt con số 9 đường bay của cùng kỳ năm 2019 - giai đoạn trước dịch.
Chiến lược phát triển mạng bay quốc tế của Vietjet đang thu được hiệu quả, với doanh thu vận chuyển hàng không của hãng trong quý I-2023 đạt 12.880 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỉ đồng. Trong đó, vận tải hành khách quốc tế đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Tàu bay thân rộng A330 mang biểu tượng du lịch Việt Nam đã được Vietjet đưa vào khai thác, đưa thêm nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam hơn - Ảnh: Tài Nguyên
Với mục tiêu mở rộng mạng bay quốc tế đến các quốc gia ngoài khu vực, Vietjet đã phát triển đội bay thân rộng A330, với 7 tàu đã được đưa vào khai thác và dự kiến sẽ có 10 tàu được khai thác vào cuối năm 2023. Đội tàu bay này cho phép hãng vươn tới các thị trường xa hơn như Úc, và thậm chí là châu Âu, góp phần mở thêm nhiều thị trường mới, thu hút nhiều hơn du khách trên toàn thế giới đến Việt Nam.
Ông Michael Hickey khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là kết nối Việt Nam với các thị trường tiềm năng, khai thác nguồn du khách quốc tế mới, đưa họ đến Việt Nam để góp phần phục hồi ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung".
Nhờ mạng bay quốc tế lớn của mình, Vietjet cũng đã đưa ra thị trường các đường bay nối chuyến quốc tế. Hành khách từ Ấn Độ hay Úc hoàn toàn có thể đặt vé Vietjet để bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Bali… và ngược lại thông qua sân bay trung chuyển (transit) là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Vietjet mong muốn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm (hub) hàng không quốc tế trong tương lai, cùng với Singapore hay Bangkok trong khu vực.