"Các đề nghị đàm phán của Mỹ chỉ là thủ đoạn. Họ ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể đạt được mục tiêu giải trừ quân bị. Việc Mỹ mở rộng hành động răn đe sẽ chỉ ngày càng đẩy Triều Tiên khỏi bàn đàm phán", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn lời bà Kim Yo-jong cho hay.
Bình luận được bà Kim đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ lo ngại Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành thêm một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Sullivan đồng thời nhắc lại đề nghị đàm phán, nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden "luôn sẵn sàng ngồi xuống và thảo luận vô điều kiện về chương trình hạt nhân Triều Tiên".
"Chúng tôi sẵn sàng đáp trả nghiêm khắc bất kỳ hành động nào vi phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa hạnh phúc người dân và phá hủy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng nên dừng những hành động xuẩn ngốc có thể đe dọa an ninh của họ bằng cách khiêu khích chúng tôi", bà Kim Yo-jong nói thêm.
Bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hồi năm 2019. Ảnh: AFP
Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh gần đây liên tục leo thang. Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với Mỹ và Nhật Bản, Triều Tiên sau đó tiến hành nhiều đợt thử tên lửa và vũ khí thế hệ mới để đáp trả.
Triều Tiên hồi giữa tuần trước tuyên bố thử thành công ICBM mới nhất, do lãnh đạo Kim Jong-un giám sát. Tên lửa bay 1.001 km ở độ cao tối đa 6.648 km trước khi rơi xuống Đông Hải, còn được gọi là biển Nhật Bản, theo KCNA.
Năm ngoái, ông Kim tuyên bố Triều Tiên sẽ là một cường quốc hạt nhân "không thể đảo ngược" và kêu gọi tăng cường sản xuất vũ khí, trong đó có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh đã lên án mạnh mẽ vụ phóng ICBM mới nhất của Triều Tiên, cho rằng nó vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Bà Kim Yo-jong hôm 14/7 cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt "những điều rất bất hạnh" nếu nước này không từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên. Bà cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ xây dựng biện pháp răn đe hạt nhân "áp đảo nhất" cho đến khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch.
Huyền Lê (Theo Reuters, BBN)