Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, 11 tháng năm ngoái, lượng sầu riêng nhập từ Việt Nam đạt gần 721.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, trái sầu Thái Lan xuất sang Trung Quốc giảm 13%, còn trên 796.000 tấn.
Với đà tăng trưởng này, Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách với Thái Lan và có tiềm năng dẫn đầu về xuất khẩu sầu riêng sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2025.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vị trí địa lý gần Trung Quốc giúp Việt Nam giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Thời vụ thu hoạch kéo dài và không trùng với Thái Lan là một lợi thế, đảm bảo nguồn cung liên tục. Nếu không bị tác động bởi biến đổi khí hậu, theo ông, Việt Nam thậm chí có thể vượt Thái Lan về sản lượng xuất khẩu.
Thu hoạch sầu riêng nghịch vụ tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam
Sản lượng tăng mạnh, song giá sầu riêng Việt xuất khẩu chỉ đạt gần 4.000 USD một tấn, thấp hơn so với mức 5.000 USD của Thái Lan. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan (3,9 tỷ USD, giảm 12,5%).
Dù nhận được sự ưa chuộng từ thị trường nước láng giềng, ông Nguyên khuyến cáo nông dân và doanh nghiệp Việt cần nghiêm túc tuân thủ các quy định trong Nghị định thư với Trung Quốc. Chất lượng ổn định và xây dựng thương hiệu vững mạnh là yếu tố quyết định cạnh tranh với hàng Thái và các quốc gia khác.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng tăng mua mặt hàng nông sản này từ Philippines. Tính tới cuối tháng 11/2024, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia này đạt hơn 13 triệu USD, tăng 3,5 lần so với năm trước đó.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt đi các thị trường đạt 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với 2023. Trung Quốc là thị trường chiếm tới 90% về thị phần.
Xuất khẩu trái sầu riêng được dự báo tiếp tục tăng năm nay, lên 3,5 tỷ USD, góp phần kim ngạch xuất rau quả đạt mục tiêu 8 tỷ USD.
Thi Hà