Thông tin này được ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM chia sẻ tại tọa đàm về dược phẩm trong kỷ nguyên số tại Davos, Thụy Sĩ. Ông Nên được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao thay mặt phát biểu tại sự kiện do Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức. Loạt tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực dược phẩm dự tọa đàm như AstraZeneca, Roche, Sanofi, Novartis, Pfizer...
Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia phát triển ngành dược ngang tầm các nước trong khu vực và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh thuốc quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Nên cho biết Việt Nam xác định một số chính sách ưu tiên cho nghiên cứu phát triển hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn cung trong nước, biệt dược, vaccine, sinh phẩm... Các dự án có vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng) trong lĩnh vực này sẽ được nhận ưu đãi đặc biệt.
"Ngành dược Việt Nam phải là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển", ông Nên chia sẻ.
Bí thư thành ủy TP HCM chia sẻ thêm Việt Nam sẽ phát triển các trung tâm nghiên cứu và ươm tạo công nghệ dược phẩm tại khu công nghệ cao hay hình thành các khu công nghiệp dược phẩm. Ông đề nghị các doanh nghiệp lớn tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và công ty Việt Nam đầu tư trong ở các công đoạn khác nhau trong ngành dược.
Tọa đàm về phát triển ngành dược Việt Nam trong kỷ nguyên số hôm 22/1 ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Vân Anh
Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam được dự báo tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD vào 2025. Con số này sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào năm sau. Hiện nay, cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP, 17 đơn vị sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc và trên 62.000 điểm bán lẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, năm ngoái công nghiệp dược Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ còn thấp. Hơn 200 nhà máy đạt chuẩn WHO-GMP nhưng không có cơ sở nào được WHO tiền thẩm định.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất, đặc biệt trong nghiên cứu vaccine và thuốc. Các giải pháp của FPT đang góp phần nâng cao hiệu quả của ngành thông qua số hóa quy trình nghiên cứu, phát triển dược phẩm. Trong lĩnh vực y tế, tập đoàn này cũng hướng tới xây dựng hệ sinh thái y tế số, cung cấp dịch vụ toàn diện cho các cơ quan quản lý, công ty dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống nhà thuốc và người dân.
Ông Burak Pekmezci, đại diện Pharma Group cho rằng với những chuyển đổi mạnh mẽ trong khoa học công nghệ, ngành dược phẩm sẽ đóng vai trò then chốt giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Hãng dược này sẵn sàng hợp tác cùng Bộ Y tế để đạt các mục tiêu quan trọng của ngành. Họ cũng chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm và góp ý để cải thiện khung pháp lý cho ngành.
Đánh giá cao góp ý từ các tập đoàn nước ngoài, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh vai trò của công nghệ, đặc biệt AI, dữ liệu trong lĩnh vực y tế. Ông cũng cho biết TP HCM sẽ có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp dược phẩm triển khai các đề xuất, tạo điều để nhân rộng thành công ra các địa phương khác.
Anh Tú