Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey ngày 22/1 cáo buộc tàu nghiên cứu hải dương Yantar của Nga "liên tục lập bản đồ hạ tầng trọng yếu dưới biển của Anh" trong những tháng gần đây, cho biết con tàu từng di chuyển qua khu vực có hạ tầng quan trọng của nước này hồi tháng 11/2024.
Hải quân Anh khi đó điều động một số chiến hạm, trong đó có một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Astute, cùng máy bay để theo dõi tàu nghiên cứu Nga. "Tàu ngầm hạt nhân có lúc nổi lên gần tàu Yantar nhằm thể hiện rõ là chúng tôi luôn bí mật bám sát mọi động thái của họ", ông Healey nói.
Hộ vệ hạm HMS Somerset (gần) bám đuôi tàu nghiên cứu Yantar trong ảnh công bố ngày 22/1. Ảnh: BQP Anh
Tàu Yantar sau đó tiến đến vùng biển ngoài khơi Ireland, phía đông thủ đô Dublin, làm dấy lên lo ngại nó có thể đang xác định vị trí các tuyến cáp quang và đường ống dưới biển giữa Anh với Ireland. Hải quân Anh tiếp tục điều chiến hạm và máy bay giám sát Yantar đến khi nó rời khỏi khu vực.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Chính phủ Anh hiếm khi công bố thông tin về hoạt động của hạm đội tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt khi chúng thực hiện nhiệm vụ nhạy cảm như bám đuôi tàu Yantar.
"Trong trường hợp này, họ có thể công khai thông tin nhằm dằn mặt, ngăn Nga tiến hành thêm các đợt do thám", biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Bộ trưởng Healey cho biết trong lần quay lại vùng biển Anh hồi tuần này, tàu Yantar "không hiện diện lâu dài ở một khu vực", trong khi hộ vệ hạm HMS Somerset và tàu tuần tra xa bờ HMS Tyne luôn giám sát chặt chẽ nó.
Yantar là tàu nghiên cứu hải dương thuộc Đề án 22010 Kruys, mang được hai phương tiện lặn sâu, trong đó một chiếc với khả năng tiếp cận vùng biển sâu tới 6.000 m. Tàu thuộc biên chế Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu của Bộ Quốc phòng Nga và không được trang bị vũ khí.
Phương Tây coi Yantar là tàu do thám, nhận định các thiết bị chuyên dụng trên tàu có thể tiếp cận và cắt cáp ngầm, cũng như tìm kiếm hoặc trục với những vật thể chìm dưới biển. Tàu Yantar hồi năm 2017 từng trục vớt xác tiêm kích Su-33 và MiG-29K bị rơi khi làm nhiệm vụ ngoài khơi Syria.
Tàu Yantar gần đây còn hoạt động ở Địa Trung Hải, có thể nhằm tham gia tìm kiếm, trục vớt các bộ phận hoặc hàng hóa trên tàu chở hàng Ursa Major bị chìm hồi tháng 12/2024.
Tàu ngầm hạt nhân HMS Astute tại căn cứ Clyde của Anh tháng 3/2012. Ảnh: BQP Anh
Tàu ngầm hạt nhân lớp Astute có lượng giãn nước 7.000 tấn khi nổi và 7.400 tấn khi lặn, dài 97 m, đạt tốc độ 56 km/h khi lặn và có thể xuống độ sâu tối đa 300 m. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, mang được 58 quả đạn gồm tên lửa hành trình Tomahawk Block IV và ngư lôi Spearfish.
Hải quân Anh đặt mua tổng cộng 7 tàu lớp Astute, trong đó 5 chiếc đã được đưa vào biên chế. Tàu thứ 6 đang thử nghiệm trước khi ra biển, còn chiếc cuối cùng dự kiến hạ thủy cuối năm 2026. Mỗi tàu ngầm lớp Astute có giá ước tính 2 tỷ USD.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)