MWG:
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố tình hình kinh doanh năm 2024 với doanh thu cả năm đạt 134.341 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023 và hoàn thành 107% kế hoạch đề ra. Trung bình mỗi ngày trong năm 2024, doanh nghiệp bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài mang về doanh thu 368 tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 12, doanh thu của MWG đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong vòng gần 3 năm, kể từ tháng 3/2022 .
Về cơ cấu, trong năm 2024, chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ, bao gồm Topzone) đóng góp 30.000 tỷ đồng và Điện Máy Xanh (ĐMX) đóng góp 59.500 tỷ đồng, lần lượt chiếm 22,4% và 30,6% tổng doanh thu. Trong đó, doanh thu online đạt gần 8.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu 2 chuỗi.
Lãnh đạo MWG đánh giá, trong năm 2024, thị trường bán lẻ điện thoại hầu như đi ngang và chỉ tăng nhẹ ở một số ngành hàng điện lạnh. Dù vậy, công ty vẫn đạt được (i) Mức tăng trưởng cao hơn thị trường dù hoạt động ít hơn 221 cửa hàng so với cuối 2023, tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ hơn 10%; (ii) Hầu hết ngành hàng đều tăng trưởng dương từ 5% - 30%, đặc biệt là ngành hàng điện lạnh và điện thoại đạt mức tăng trưởng 2 chữ số; (iii) Hiệu quả kinh doanh cải thiện đáng kể và là trụ cột chính đóng góp lợi nhuận cho công ty.
Đáng chú ý, MWG đã hợp tác với tổ chức tài chính lớn như Home Credit để tung ra giải pháp trả chậm, giúp giảm gánh nặng tài chính cho khách hàng và cung cấp thêm nhiều lựa chọn mua sắm. Một sự kiện đáng chú ý khác là bản hợp đồng với VPBank, biến hơn 3.000 cửa hàng TGDĐ/ĐMX thành các điểm cung cấp dịch vụ tài chính tiện ích như nạp, rút tiền và chuyển tiền (tương tự như ATM của ngân hàng). Chỉ sau 1 tháng triển khai, công ty đã đạt giá trị giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng với gần 150.000 giao dịch.
Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với 2023. Kênh online phục vụ hơn 3 triệu lượt giao dịch thành công và đóng góp hơn 925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,3% trong tổng doanh thu của BHX. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng năm 2024 đạt 2 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Nhờ đó, chuỗi đã có lãi cấp độ công ty sau 2 năm tái cấu trúc toàn diện.
Chuỗi An Khang ghi nhận doanh thu cả năm đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, công ty tiến hành đóng các cửa hàng không hiệu quả, tập trung tăng doanh thu trên cửa hàng thông qua việc rà soát lại danh mục, trưng bày và chất lượng tư vấn bán hàng. Trong quý 4/2024, doanh thu bình quân/cửa hàng tăng 15% so với mức trung bình 2 quý liền trước, và mức lỗ đã giảm đáng kể so với các quý còn lại trong năm.
Avakids mang về doanh thu gần 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ dù không mở mới cửa hàng. Kênh online đóng góp gần 50% tỷ trọng trong tổng doanh thu chuỗi. Avakids tiếp tục là chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé có doanh thu bình quân cao nhất Việt Nam, đạt 1,8 tỷ đồng/cửa hàng vào cuối năm.
Chuỗi EraBlue tại Indonesia ghi nhận doanh thu tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân/cửa hàng là 2,8 tỷ đồng. Sau 2 năm phát triển tại Indonesia với 87 cửa hàng đang hoạt động, nhờ vào danh mục sản phẩm phù hợp, giá bán cạnh tranh, mô hình dễ tiếp cận, và chi phí được tối ưu ngay từ ban đầu, chuỗi đã chính thức có lãi tại cấp độ công ty kể từ quý 3/2024.
Năm 2024, MWG ghi dấu ấn với chiến lược “Giảm lượng - Tăng chất” bằng việc đóng cửa lượng lớn cửa hàng TGDĐ/ĐMX hoạt động kém hiệu quả đồng thời mở rộng chuỗi BHX, EraBlue sau khi đạt điểm hoà vốn. Đến cuối tháng 12/2024, MWG có 1.021 cửa hàng TGDĐ (giảm 1 cửa hàng); 2.026 cửa hàng ĐMX (giảm 4 cửa hàng); 1.770 cửa hàng BHX (tăng 35 cửa hàng); 326 nhà thuốc An Khang; 62 cửa hàng Avakids; 87 cửa hàng EraBlue (tăng 5 cửa hàng) so với cuối tháng 11 trước đó.