Chuyên mục  


Lươn

Lươn đầm lầy châu Á đang đe dọa sinh vật bản địa Florida. Ảnh: USGS

Các nhà sinh vật học lo ngại rằng lươn đầm lầy châu Á (Monopterus albus) có thể tiêu diệt nhiều loài cá và động vật không xương sống bản địa ở bang Florida, Mỹ, Florida. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida kêu gọi người dân báo cáo về loài lươn xâm lấn đã khiến các nhà sinh thái học lo lắng suốt ba thập kỷ qua. Chúng là một trong những sinh vật ngoại lai chuyển từ vật nuôi sang vật gây hại ở Florida.

Theo các nhà sinh vật học, có nhiều lý do khiến loài lươn này cần được kiểm soát. Đầu tiên, khả năng hít thở không khí khi ra khỏi nước giúp chúng bò qua mặt đất, xâm nhập vào vùng nước mới. Chúng thích nghi rất nhanh và có thể sống sót trong nhiều môi trường khác nhau, từ những dòng suối chảy chậm đến đầm lầy và vùng đất ngập nước.

Tiếp theo, chúng là những kẻ kiếm ăn cơ hội với con mồi đa dạng, bao gồm cá nhỏ, động vật lưỡng cư và không xương sống. Do đó, chúng có thể làm gián đoạn lưới thức ăn và gây hại cho tính đa dạng sinh học bản địa, dẫn đến những biến đổi về sinh thái.

Cuối cùng, lươn sinh sản rất nhiều, khiến việc kiểm soát số lượng cá thể trở nên khó khăn. Hang của chúng làm hư hại các kênh đào và cơ sở hạ tầng khác.

Lươn đầm lầy châu Á có thể sống đến 10 năm hoặc lâu hơn. Cá thể lớn nhất mà Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã Florida (FWC) từng thu thập dài 85,6 cm và nặng 0,8 kg. Một con cái trưởng thành thường có khoảng 440 trứng sẵn sàng đẻ, theo FWC. Chúng là loài lưỡng tính nên tất cả đều phát triển thành con cái, sau đó một số biến thành đực. Hầu hết các quần thể có tỷ lệ giới tính nghiêng nhiều về phía con cái.

Lươn đầm lầy châu Á có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Chúng phát triển mạnh trong nước bùn, tù đọng. Chúng được phát hiện lần đầu ở Florida vào năm 1997 và cũng đã hiện diện ở nhiều nơi tại Mỹ, bao gồm Hawaii và Georgia. Các chuyên gia cho rằng chúng xâm nhập vào môi trường tự nhiên ở Florida do được thả từ bể cá và/hoặc thoát ra từ trang trại cá. Các nhà sinh vật học Mỹ cho biết, lươn có thịt ngon, vị dịu nhẹ, được coi là đặc sản ở khu vực bản địa của chúng.

Lợn rừng

Hiện nay tại Mỹ có khoảng 6 triệu con lợn rừng ở 35 bang. Ảnh: Alamy

Với lợn rừng nhà chức trách như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và các cơ quan động vật hoang dã cấp bang tìm cách kiểm soát số lượng suốt nhiều thập kỷ nhưng vấp phải nhiều khó khăn. Vào thập niên 1890, thợ săn đưa 13 con lợn rừng Á Âu, nhiều khả năng mua từ rừng Đen ở Đức, tới khu bảo tồn đi săn ở New Hampshire. Nổi tiếng thông minh và khó bắt, chúng là mục tiêu lý tưởng cho thợ săn thể thao thích rượt đuổi.

Với những đặc tính thông minh, khó bắt, sinh sản nhanh và tàn phá hoa màu, lợn rừng trở thành một trong những loài xâm hại đầu tiên ở Bắc Mỹ. Tại vài khu vực, lai giống dẫn tới tình huống không thể kiểm soát. "Động vật nuôi được lai giống có chủ đích để sinh sản nhanh ở giai đoạn đầu với số lượng lớn. Lợn rừng Á Âu rất khó săn. Hai mặt này thực sự tạo nên lợi thế của chúng", Mikayla Killam, chuyên gia quản lý thiệt hại do động vật hoang dã ở chương trình AgriLife Extension Service của Đại học Texas A&M, cho biết.

Hiện Mỹ đã chuyển sang đối phó với chúng bằng cách ăn thịt. Nhiều đầu bếp, nông dân và nhà cung ứng đang chuyển hướng biến chúng thành nguồn cung cấp protein bền vững. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép cho một số cơ sở để xử lý lợn rừng. Các đầu bếp trên khắp nước Mỹ đang chú ý tới thịt lợn rừng ngày càng sẵn có. Lợn rừng cũng có trong danh sách thực đơn tại một số nhà hàng Eataly ở New York, Redbird ở Los Angeles, Rainbow Lodge ở Houston và Quince ở San Francisco.

Cua xanh

Cua xanh Đại Tây Dương xâm chiếm phần lớn Địa Trung Hải. Ảnh: Alamy

Cua xanh Đại Tây Dương (Callinectes sapidus) đã xâm chiếm phần lớn Địa Trung Hải, từ Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp tới Tunisia và bắt đầu xuất hiện ở vùng biển Italy, nơi chúng có biệt danh "sát thủ biển cả". Có nguồn gốc từ vùng vịnh và cửa sông ven biển Bắc Đại Tây Dương của Mỹ, cua xanh tình cờ đến Địa Trung Hải qua nước dằn của tàu thủy.

Năm 2023, Chính phủ Italy thông báo trích 3,2 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để tìm cách đối phó với sự lan rộng nhanh chóng của cua xanh. Chúng chuyên ăn vẹm và ngao vốn là món ăn phổ biến của người dân Italy trong mùa hè. Cua xanh đe dọa kế sinh nhai của ngư dân địa phương. Coldiretti, hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp của Italy, cảnh báo 3.000 hộ kinh doanh ngư nghiệp bị đe dọa bởi loài xâm hại này. Cua xanh cũng săn cá non và ăn trứng cá, theo Tonino Giardini, đại diện của hiệp hội ngư dân Impresa Pesca.

Tuy nhiên các chuyên gia môi trường nhận định, tiêu diệt cua xanh Đại Tây Dương ở vùng biển Italy hoặc bất kỳ nơi nào khác tại Địa Trung Hải là bất khả thi. Thay vì coi chúng như loài gây hại, họ cho rằng nên xem chúng như một nguồn thức ăn giá trị bởi thịt cua cực ngon. Những đầu bếp Italy đang tìm cách sáng tạo thực đơn như mỳ spaghetti ăn kèm thịt cua xanh và cua xanh hầm, hy vọng có thể thuyết phục khách hàng chọn món. Ở vài nơi trong nước, cua xanh đang được bán với giá 11 USD/kg.

Francesco Lollobrigida, Bộ trưởng nông nghiệp và ngư nghiệp Italy, chia sẻ mục tiêu là "biến khủng hoảng thành cơ hội. "Cua xanh là một tài nguyên khổng lồ. Thịt cua chứa lượng vitamin B12 cao, rất có lợi cho con người", ông Lollobrigida nói.

Italy có thể noi theo nhiều nước khác ở Địa Trung Hải đã nhận thấy giá trị thương mại của cua xanh. Ở quần đảo Cyclades của Hy Lạp, chính quyền dựng bảng thông báo tại các cảng để ngư dân biết cua xanh Đại Tây Dương ăn được, cùng với nhiều loài xâm hại khác như cá phèn biển Đỏ, cá sư tử, cá chìa vôi đốm lam, mực lá. Tại Tunisia, cua xanh hiện nay là loài đánh bắt mang lại thu nhập cho ngư dân.

Cá chép

Alison Coulter chụp ảnh với cá mè trắng xâm hại. Ảnh: Đại học South Dakota

Cá chép xâm hại hay còn gọi là cá chép châu Á trở thành mối đe dọa lớn đối với sông hồ ở bang South Dakota, nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá đối với hàng nghìn ngư dân, người đi thuyền và người yêu thích các môn thể thao nước mỗi năm. Theo Cơ quan giải trí, cá và công viên South Dakota cá chép trở thành "loài cá bị ghét nhất nước Mỹ".

Tại Mỹ, có hai loại cá chép riêng biệt là cá chép thường và cá chép châu Á. Ngư dân ở South Dakota có thể quen thuộc hơn với cá chép thường, sinh sống ở gần như mọi tuyến đường thủy trong bang. Chúng được đưa tới Mỹ từ châu Âu năm 1831, phân bố khắp cả nước như một nguồn thức ăn. Dù là động xâm hại, chúng đã trở thành loài tự nhiên ở sông hồ trong bang.

Cá chép châu Á, thuật ngữ chung để chỉ 4 loại cá chép, có lịch sử khác hẳn. Chúng là động vật bản xứ ở Đông Á và được đưa tới Mỹ trong thập niên 1970 để giúp làm sạch bể chứa, ao thủy canh và ao xử lý nước thải. Cuối cùng, lũ lụt tạo điều kiện cho chúng trốn ra ngoài. Vào đầu thập niên 2000, tất cả lưu vực sông Mississippi, sông Missouri, sau đó là sông ở Ohio và Ohio and Illinois đều có quần thể cá chép xâm hại.

Cá chép xâm hại bao gồm nhiều loài khác nhau, mỗi loài có đặc điểm độc đáo có thể dẫn tới tàn phá sinh thái. Cá mè hoa và cá mè trắng là những loài phổ biến và dồi dào nhất. Cá mèo hoa ăn động vật phù du còn cá mè trắng ăn thực vật phù du. Cả hai loài đều cạnh tranh trực tiếp với cá bản xứ. Quần thể cá mè hoa và cá mè trắng có thể nhanh chóng ăn hết lượng sinh vật phù du lớn bằng con sư tử.

Cá trắm cỏ tương tự cá chép thường và ăn thực vật thủy sinh. Do thói quen của chúng, cá trắm cỏ là mối đe dọa đói với vùng đầm lầy do chúng phá hủy nơi sinh sống của cá bản xứ, chim, động vật lưỡng cư và bò sát.

Loài cá chép xâm hại cuối cùng là cá trắm đen, chủ yếu ăn ốc sên, trai, tôm nước ngọt, côn trùng và tôm hùm đất. Tuy nhiên, chúng không ăn trai vằn, loài xâm hại khác mà bang South Dakota đang tìm cách xử lý. Chúng cũng trực tiếp cạnh tranh thức ăn với cá, rùa, chim, gấu mèo, rái cá và chuột xạ hương.

Tương tự cá chép thường, cá chép xâm hại rất phàm ăn và có thể phát triển nhanh chóng. Trên thực tế, chúng lớn nhanh đến mức chỉ mất vài tháng để cá sắp trưởng thành lớn hơn tất cả kẻ thù tự nhiên. Nhờ tốc độ sinh sản nhanh, chúng đang gây rối loại sinh thái ở các tuyến đường thủy.

Hoài Phương (Tổng hợp)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020