Chuyên mục  


"Các ngài sẽ gặp vấn đề rất lớn ở Mỹ nếu để Tổng thư ký NATO nói về việc kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự", Richard Grenell, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói ngày 23/1.

Phát biểu của ông Grenell được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte, người từng là thủ tướng Hà Lan, nói rằng việc trở thành thành viên chính thức của NATO sẽ là "kết quả dễ dàng nhất" đối với Ukraine nếu nền hòa bình "bền vững" được đảm bảo.

"Các ngài không thể yêu cầu người dân Mỹ mở rộng phạm vi bảo vệ của NATO khi các thành viên hiện tại không đóng góp công bằng, trong đó có Hà Lan. Hà Lan cũng cần tăng khoản đóng góp", ông Grenell nói.

Richard Grenell tại Wisconsin, Mỹ hồi tháng 7/2024. Ảnh: Reuters

Grenell lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Trump rằng các thành viên NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng. "Chúng ta cần đảm bảo những lãnh đạo đó sẽ chi ra khoản tiền phù hợp", ông nói.

Grenell chỉ trích cựu tổng thống Joe Biden vì đã không tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ khi chiến sự ở Ukraine bùng phát và cho biết ông Trump đang gây sức ép để buộc Moskva và Kiev "ngồi vào bàn đàm phán'.

"Người Mỹ vô cùng thất vọng vì chúng tôi đang chi ra hàng trăm tỷ USD, trong khi các lãnh đạo của chúng ta không trao đổi với nhau nhằm cố gắng giải quyết vấn đề", Grenell nhấn mạnh.

Năm 2023, 32 quốc gia thành viên NATO đặt mức tối thiểu chi tiêu quốc phòng là 2% GDP. Ông Trump đề xuất tăng mức này lên 5%. Ông Rutte thừa nhận cần tăng mức chi tiêu quốc phòng. "Chúng ta sẽ quyết định con số chính xác vào cuối năm nay, nhưng sẽ cao hơn đáng kể so với mức 2%", Tổng thư ký Rutte nói.

Ông cũng cho rằng châu Âu sẽ phải đóng góp nhiều hơn để tiếp tục được Mỹ hỗ trợ quốc phòng. "Chúng ta phải sẵn sàng làm điều đó, vì hiện tại Mỹ đang đóng góp nhiều hơn châu Âu. Ông Trump nói đúng về vấn đề này", ông Rutte nói.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Thụy Sĩ ngày 23/1. Ảnh: AFP

Sau phát biểu của phái viên Grenell, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhắc rằng Nga mới là đối thủ của liên minh. "Tôi thấy các đối tác đang chỉ trích lẫn nhau rất nhiều. Điều đó chẳng ích gì", ông cho hay.

Ông Trump hồi đầu tháng này nói rằng người tiền nhiệm Biden đã quyết định cho phép Ukraine gia nhập NATO, ám chỉ đây là nguyên nhân khiến Nga mở chiến dịch tại quốc gia láng giềng. Trên thực tế, các nước NATO hồi năm 2008 từng đồng ý về khả năng Ukraine gia nhập khối. Tuy nhiên, Mỹ và Đức gần đây không còn ủng hộ động thái này do lo ngại nguy cơ NATO bị kéo vào xung đột với Nga.

Huyền Lê (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020