Chuyên mục  


"Một phán quyết phản ánh sự thật lịch sử, góp phần hiện thực hóa tinh thần 'gác lại quá khứ, hướng tới tương lai'", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 22/1 trả lời VnExpress về việc tòa phúc thẩm Seoul giữ nguyên phán quyết, yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường hơn 30 triệu won (20.000 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, người mất gia đình trong vụ thảm sát Quảng Nam năm 1968.

Người phát ngôn cho biết thêm với quan điểm này, Việt Nam mong muốn cùng Hàn Quốc phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước cũng như có các hành động thiết thực nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Bà Thanh đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc năm 2020, đòi bồi thường về vụ Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 thảm sát 74 người tại làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam, ngày 12/2/1968. Bà Thanh là một trong số ít người sống sót. Bà khi đó 8 tuổi, bị thương ở bụng. Toán lính sát hại mẹ và hai chị em của bà, đốt phá nhà cửa rồi bỏ đi. Rơi vào cảnh mồ côi, bà Thanh phải đi ở mướn, không được học hành.

Sau phán quyết của tòa phúc thẩm Seoul, bà Thanh bày tỏ vui mừng vì công lý đã được thực thi, thêm rằng phán quyết này phần nào an ủi cho nạn nhân đã mất. Bà Thanh cho biết nếu nhận được bồi thường sẽ trích ra giúp đỡ những nạn nhân khác, "không lấy hết cho bản thân".

Ông Kwon Hyun Woo, Trưởng Văn phòng Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, nói bà Thanh một lòng theo đuổi vụ kiện vì sự thật, không phải tiền bồi thường. Ông Kwon cho biết thêm các nạn nhân của tất cả vụ thảm sát rất khó khởi kiện do không có nhiều bằng chứng pháp lý. Do đó từ năm 2020, nhiều đoàn thể xã hội Hàn Quốc và đoàn luật sư đã yêu cầu quốc hội ban hành luật đặc biệt để điều tra sự thật về các tội ác của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam.

Ngọc Ánh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020