Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philip Rosler, Đại sứ danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ. Nguồn ảnh: VGP
"Đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng quốc gia. Hãy đến Việt Nam"
Theo đó, tại Toạ đàm, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Đại sứ danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, ông Philip Rosler cho biết, hiện là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam.
"Đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng quốc gia. Hãy đến Việt Nam", ông Philip Rosler nói.
Ông Philip Rosler lý giải, những yếu tố làm nên điều này là chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, dân số trẻ với 100 triệu người, thích công nghệ, học vấn cao, thông minh, làm việc rất chăm chỉ và đặc biệt là tinh thần doanh nghiệp rất cao.
"Việt Nam có thể nhảy vọt, không phải từ điện thoại cố định sang cáp quang mà có thể nhảy thẳng lên 5G", nguyên Phó Thủ tướng Đức, Đại sứ danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ cho hay.
Cũng trong khuôn khổ Toạ đàm, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới. Cụ thể, Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương Google, ông Sanjay Gupta khẳng định sẽ đem những điều tốt đẹp nhất thế giới đến Việt Nam.
"Việt Nam có vị thế 'độc nhất, vô nhị' để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực", ông Sanjay Gupta đánh giá.
Đồng thời, vị lãnh đạo Google cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam kết nối, tương tác với internet mạnh mẽ hơn, cũng như mở cửa kho dữ liệu để AI phát triển mạnh mẽ.
Còn theo lãnh đạo Schneider Elecrtric, doanh nghiệp mong muốn hợp tác cùng Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ông mong muốn Việt Nam đột phá trong cơ sở hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển.
"Việt Nam sẽ cung cấp điều doanh nghiệp cần, chứ không phải cái Việt Nam có"
Về phía Việt Nam, sau khi lắng nghe những chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Ông dẫn chứng về thủ tục đầu tư các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay thay vì phải mất 2-3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy như trước đây. Tất cả đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn để sau đó cơ quản quản lý hậu kiểm.
Về trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói Quốc hội đã duyệt chủ trương và hiện đang xây dựng hai trung tâm tại TPHCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang rất cần sự tham gia đóng góp về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài.
"Chúng tôi sẽ cung cấp điều các bạn cần, chứ không phải cái Việt Nam có", ông Dũng chia sẻ. Ông nói Việt Nam mong muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng cạnh tranh hơn với các nước, nhằm phục vụ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ông cũng cho biết nghiêm túc ghi nhận, nghiên cứu đề xuất nâng tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sân bay, cảng biển để thu hút thêm nguồn vốn vào hạ tầng trong tương lai.