Chuyên mục  


Theo thông báo tuyển sinh công bố chiều 22/1, về bản chất các phương thức tuyển sinh không thay đổi so với năm ngoái, nhưng được cấu trúc lại.

Với xét học bạ, phương thức này áp dụng cho ba nhóm thí sinh, gồm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.

Học sinh có thể sử dụng tổng điểm trung bình trong 6 học kỳ của ba môn trong tổ hợp; hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Khi xét kết hợp, điểm của chứng chỉ sẽ được quy đổi và thay thế môn tiếng Anh trong tổ hợp.

Điều kiện cụ thể với từng nhóm thí sinh có sự chênh lệch, song một số yêu cầu chung là IELTS tối thiểu 6.5 (nếu xét kết hợp), tổng ba môn thi tốt nghiệp theo tổ hợp bất kỳ đạt từ 24 trở lên...

Phương thức thứ hai là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Thí sinh cũng có thể xét độc lập điểm thi, hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều kiện về điểm IELTS và các chứng chỉ khác tương đương xét học bạ.

Sử dụng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế là phương thức ba. Trường Đại học Ngoại thương chấp nhận kết quả của hai kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. Điểm sàn lần lượt từ 100/150 và 850/1200, bằng năm ngoái.

Với các chứng chỉ quốc tế, trường vẫn dùng SAT, ACT và A-level. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của A-Level không đổi, còn SAT từ 1380/1600 và ACT từ 30/36. Năm ngoái, trường Ngoại thương lấy SAT từ 1260, còn ACT 27.

Lý giải điều chỉnh này, thạc sĩ Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, cho biết những năm gần đây, chất lượng đầu vào của sinh viên không ngừng cải thiện. Vì vậy, trường tăng chuẩn đầu vào với nhóm có chứng chỉ quốc tế.

Phương thức cuối cùng là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sinh viên trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: FTU Times

Tổng chỉ tiêu cho cả ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh là 4.150, không biến động nhiều so với năm ngoái. Các tổ hợp xét tuyển giữ ổn định, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh), D00 (Văn, Toán, Ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật, Nga).

Trường lưu ý điểm sàn của các nhóm xét tuyển có thể được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Đề án tuyển sinh 2025 của trường sẽ được công bố sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đại học.

Năm ngoái, điểm chuẩn thi tốt nghiệp của trường Đại học Ngoại thương từ 25,25 đến 28,5, cao nhất ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, chuyên ngành tiếng Trung thương mại ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020