Tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa - Ảnh: C.TUỆ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi đến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về bảo vệ tàu cá khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa và chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.
Tấn công tàu cá Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng
Cụ thể, cử tri là ngư dân phản ánh hiện nay ngư dân nước ta khai thác hải sản tại quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa bị tàu nước ngoài tấn công, xua đuổi.
Cử tri đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cần tăng cường lực lượng cảnh sát biển, hải quân để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, bảo vệ ngư dân trong quá trình khai thác hải sản, góp phần bảo vệ quyền và chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đồng thời kiến nghị có chính sách hỗ trợ đối với ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trước kiến nghị trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tình hình tranh chấp tại Biển Đông trong thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Các nước tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để khẳng định chủ quyền trên các khu vực biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đồng thời thực hiện việc kiểm soát, bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân ta khi hoạt động khai thác hải sản hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, kể cả khu vực giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.
"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật Việt Nam, các quy định quốc tế và đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982" - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện nhất quán quan điểm, đường lối của Đảng trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư) thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tàu nước ngoài, trong đó có tàu cá vi phạm vùng biển Việt Nam để thực hiện các hoạt động phi pháp và hỗ trợ, xử lý, giải cứu các vụ việc tàu cá, ngư dân ta bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý trái phép tại khu vực biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định.
Bà con khai thác hải sản trên biển được hỗ trợ, bảo vệ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để ổn định hoạt động khai thác như hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ khai thác thủy sản ở vùng biển xa...
Bộ cũng đang tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt để phát triển bền vững ngành thủy sản, ổn định sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ven biển và hải đảo và là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân trên các vùng biển của Việt Nam được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ, bảo vệ.
Vì vậy, bộ mong bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất, cùng chung tay, đồng hành với Đảng, Nhà nước, Chính phủ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc.
Đồng thời mong ngư dân tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU, không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, phát triển bền vững ngành thủy sản, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hình ảnh, uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, phục vụ lợi ích lâu dài, sinh kế bền vững của bà con ngư dân.