"Tình hình thật thảm khốc, không khác gì ngày tận thế", Bruno Garcia, chủ sở hữu khách sạn Caribou ở Mamoudzou, thủ phủ quần đảo Mayotte, nói. "Chúng tôi đã mất tất cả. Toàn bộ khách sạn bị phá hủy hoàn toàn, không còn gì sót lại, cứ như thể một quả bom nguyên tử rơi xuống Mayotte vậy".
Quần đảo Mayotte thuộc Pháp nằm ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi. Diện tích đất liền của Mayotte gấp khoảng hai lần thủ đô Washington của Mỹ.
Bão Chido đêm 14/12 đổ bộ Mayotte với sức gió trên 220 km/h, theo cơ quan khí tượng Pháp. Bão san phẳng các khu dân cư, phá hủy hạ tầng, trường học, bệnh viện.
"Những gì chúng tôi trải qua là một tấn thảm kịch, như thể đang chứng kiến cảnh tượng hậu chiến tranh hạt nhân. Tôi chứng kiến cả một khu dân cư biến mất hoàn toàn", Mohamed Ishmael, cư dân Mamoudzou, nói.
Một thiếu niên bên cạnh đống đổ nát sau bão Chido tại Labattoir, Mayotte thuộc Pháp, ngày 15/12. Ảnh: Reuters
Bộ Y tế Pháp xác nhận ít nhất 14 người tử vong do bão, nhưng thương vong thực tế dự kiến cao hơn rất nhiều. Giới chức địa phương lo ngại số người thiệt mạng có thể lên đến hàng nghìn.
Tối 16/12, quyền Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau nói việc thống kê số người chết là bất khả thi, khi "toàn đảo bị tàn phá". Các khu định cư, lán trại tạm thời trên khắp quần đảo là những nơi thiệt hại nặng nhất. "Không còn gì ở đó nữa", ông Retailleau nói.
Có khoảng hơn 100.000 người di cư không giấy tờ sinh sống chủ yếu tại các khu ổ chuột bị san phẳng này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tuyên bố quốc tang và đến Mayotte trong những ngày tới để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.
Mayotte nằm cách thủ đô Paris gần 8.000 km và nghèo hơn rất nhiều so với các phần còn lại ở Pháp. Quần đảo này đang vật lộn với bạo lực băng đảng, bất ổn xã hội suốt nhiều thập kỷ. Hơn 3/4 người dân nơi đây sống dưới mức đói nghèo ở Pháp.
Nhưng trong những thập kỷ qua, hàng chục nghìn người di cư ở Đông Phi đã cố tìm đường đến Mayotte vì người dân ở đây được hưởng phúc lợi từ chính phủ Pháp.
Vị trí quần đảo Mayotte thuộc Pháp. Theo: Britannica
Antoine Piacenza, làm việc tại một trường học ở Mamoudzou, cho biết nhiều học sinh là con em người di cư không giấy tờ đã chọn không sơ tán trước bão do sợ bị cảnh sát bắt. Giới chức Pháp những năm qua đưa hàng nghìn cảnh sát đến quần đảo, nhằm trục xuất người nhập cư trái phép, phá dỡ các khu định cư tạm thời.
"Những khu ổ chuột rất ít khả năng còn có người sống sót. Mọi thứ đã bị san phẳng", nghị sĩ Estelle Youssouffa đại diện Mayotte, nói.
Nhiều người tuyệt vọng lên mạng xã hội tìm kiếm tin tức người thân sau bão. Tính đến sáng 16/12, Mayotte gần như mất kết nối hoàn toàn trong hơn 36 tiếng.
"Không điện, không nước. Đã ba ngày qua, chúng tôi vẫn sống trong bóng tối, chưa thấy bất kỳ nhân viên cứu hộ nào", Fahar, cư dân sống ở Mamoudzou, nói.
Bộ trưởng An ninh Pháp Nicolas Daragon cho hay những chiếc máy bay quân sự cung cấp viện trợ khẩn cấp đầu tiên đã hạ cánh xuống Mayotte cuối ngày 15/12. Hàng trăm nhân viên cứu hộ, cứu nạn, lính cứu hỏa, cảnh sát cũng được cử đến từ Pháp và đảo Reunion.
Nhưng hạ tầng giao thông, liên lạc bị phá hủy sau bão khiến giới chức hiện không thể tiếp cận được khoảng 2/3 hòn đảo. Pháp đã huy động hai tàu hải quân và đang bố trí thêm nhiều chuyến bay viện trợ tới quần đảo.
Loạt nhà cửa tạm bợ ở quần đảo Mayotte của Pháp bị phá hủy hoàn toàn sau khi bão Chido càn quét. Video: X/Gendarmerie nationale
Mùa bão ở tây nam Ấn Độ Dương thường kéo dài từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau. Giới khoa học cho hay biến đổi khí hậu đang khiến bão nhiệt đới trở nên cực đoan và xảy ra thường xuyên hơn.
Năm 2019, hai cơn bão Idai và Kenneth tấn công Mozambique trong vòng hai tháng, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng triệu người lâm cảnh khủng hoảng nhân đọa.
Sau khi bão Chido quét qua Mayotte, Chad Youyou, dân Hamjago ở phía bắc, đăng video lên Facebook cho thấy cây cối ngổn ngang, ngôi làng của anh trở thành đống đổ nát.
"Mayotte đã bị phá hủy. Chúng tôi đã bị phá hủy," anh nói.
Đức Trung (Theo CNN, AFP, AP)