Chuyên mục  


hhkd6577-1734347779267230234887.jpeg

Ông Trần Thanh Hoài chia sẻ về Dalat Spring Concert tại buổi họp báo ở Hà Nội

Ông Trần Thanh Hoài, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề họp báo giới thiệu chương trình Dalat Spring Concert tại Hà Nội.

Concert sẽ diễn ra tối 21-12 tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt, có sự tham gia của Boney M Liz Mitchell, Joy và Samantha Fox, những huyền thoại âm nhạc gắn với nhiều ca khúc bất hủ trong những năm 1960, 1970. 

Đây là lần đầu tiên những nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế đến với Đà Lạt.

Ông Hoài nói: "Dalat Spring Concert dự kiến sẽ được tổ chức thường niên nhằm lan tỏa hình ảnh Đà Lạt là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc được UNESCO công nhận và hướng đến xây dựng Đà Lạt là điểm đến âm nhạc đỉnh cao thế giới".

Đồng thời "cụ thể hóa cam kết của Đà Lạt khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của tổ chức này".

4677567538811819340625837960551418236067470n-1734348176422784560112.jpg

Có nhiều hoạt động âm nhạc diễn ra tại Đà Lạt thời gian qua - Ảnh: PHỐ BÊN ĐỒI

Không phải vì chạy đua thành tích

* Gần đây Đà Lạt tích cực tổ chức nhiều chương trình, sự kiện âm nhạc để thực hiện các cam kết với UNESCO khi thành phố hòa vào mạng lưới các thành phố sáng tạo và trở thành thành phố âm nhạc đầu tiên của cả nước. Có hay không chuyện chạy đua thành tích và danh hiệu, thưa ông?

- Vì chính nhu cầu tự thân của Đà Lạt đấy chứ. Việc trở thành thành phố sáng tạo về âm nhạc đầu tiên của Việt Nam đã mở ra cho Đà Lạt nhiều cơ hội lớn. Nhờ danh xưng "thành phố âm nhạc" đầu tiên của cả nước, đã có nhiều người biết hơn về Đà Lạt.

Tất nhiên 130 năm qua, ai cũng đã biết đến Đà Lạt là một thành phố ôn đới nằm trong lòng một đất nước nhiệt đới. Thành phố cũng đã xây dựng thương hiệu Đà Lạt, kết tinh điều kỳ diệu từ đất lành.

Nhưng đến Đà Lạt, không chỉ có rau, có hoa, có sông, núi, thác, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa thế giới được UNESCO gọi tên mà còn sở hữu nguồn tài nguyên bản địa phong phú kết hợp âm nhạc quốc tế.

Những điều đó càng tạo nên cho Đà Lạt một sự khác biệt, một thành phố mà ở đó con người ta hòa được với thiên nhiên, với cảm xúc thẩm mỹ, bên cạnh khởi hứng cho những giá trị mà ai đó có thể lãng quên nhưng họ sẽ nghĩ về đó rồi cảm thấy yêu cuộc đời hơn.

4695971558934325661708535346679955627931241n-1734348043899202106812.jpg

Binz, Soobin và Rhymastic biểu diễn tại chương trình 5AM Concert mùa 2 (Đà Lạt) - Ảnh: PHỐ BÊN ĐỒI

Mặt khác, tỉnh cũng xác định âm nhạc là một trong 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa quốc gia.

Lâm Đồng sẽ đi đâu và vươn tới một kỳ vọng như thế nào? Chúng tôi xác định bên cạnh du lịch canh nông, sinh thái, du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng cao cấp thì có cả du lịch âm nhạc.

* Du lịch âm nhạc thì Đà Lạt có từ lâu rồi, đâu đến hôm nay?

- Tất nhiên du lịch âm nhạc xuất hiện ở Đà Lạt từ lâu. Nhưng khai phá, sắp xếp như thế nào để phát triển thành công nghiệp và chuỗi giá trị đi theo, lại là câu chuyện cần phải bàn kỹ hơn.

Nhưng tôi tin Đà Lạt sẽ là một hình mẫu, không phải hình mẫu khô cứng để học tập mà để mang lại sự sáng tạo cũng như những giá trị đích thực cho người dân và cộng đồng địa phương, sau nữa là khách du lịch, các nhà đầu tư và những người yêu mến Đà Lạt.

Địa phương đang nỗ lực để hài hòa mọi thứ, giữ cho Đà Lạt được màu xanh, kiến trúc giá trị, văn hóa của đồng bào. Đó là những điều làm nên cảm hứng và góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một thành phố âm nhạc mang tính công nghiệp, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời mà các bậc tiền nhân để lại.
Ông Trần Thanh Hoài
4697786481221087928526339132989618716760697135n-17343485383201356561776.jpg

Hát lên tình yêu Đà Lạt số thứ 2 - Ảnh: FBCT

Hướng tới thành phố âm nhạc hiện đại kết hợp truyền thống

* Đà Lạt tiếp tục thực hiện cam kết và phát triển ra sao để giữ danh hiệu thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc? Ví dụ hiện Đà Lạt cũng chưa có một trường nhạc chuyên nghiệp nào, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ…

- Hiện Đà Lạt chưa có trường nhạc nào, đó là một câu chuyện khiến thành phố khá trăn trở. Mở một trường âm nhạc không quá khó nhưng xây dựng nó như thế nào, có sự khác biệt gì? Phát triển nó ra sao? Đó cũng là vấn đề.

Hiện ở đây có một số chủ thể sáng tạo như Phố bên đồi, một số các trường có khoa âm nhạc, kết hợp với các ca đoàn… Chúng tôi xem đó là nguồn lực nội sinh đáng quan tâm. Tỉnh cũng đang xem xét việc lập một quỹ hỗ trợ và phát triển tài năng âm nhạc.

Ngoài ra hiện thành phố cũng đang cố gắng tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc vệ tinh khác, chẳng hạn các trại hè âm nhạc, làm cho không khí âm nhạc ở đây "thường thức" hơn…

* Còn vấn đề tổ chức biểu diễn thì sao?

- Thành phố hiện có con đường nghệ thuật ở đường Lý Tự Trọng. Trước rạp 30-4 hiện nay có dự án âm nhạc liên danh phi lợi nhuận: "Hát lên tình yêu Đà Lạt - Let's sing love to Dalat" do nhạc sĩ Quỳnh Hợp và PDL Event & Entertaiment tổ chức vào các tối thứ 6, 7 trước rạp 3-4 - khu Hòa Bình, trung tâm của TP Đà Lạt.

Chính quyền cũng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích và kết nối các nhà tài trợ có tình yêu âm nhạc, công chúng và với chủ thể các không gian sáng tạo...

Nhà nước tạo hành lang pháp lý, thể chế và bảo trợ về mặt tinh thần, còn nguồn lực huy động từ người dân, doanh nghiệp và nghệ sĩ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020