Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã giao cho tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy, hai đồng minh thân cận của ông, nhiệm vụ tinh giản bộ máy và tăng hiệu suất hoạt động của chính phủ trong chính quyền mới.
Ông Trump mong đợi hai người sẽ thúc đẩy "sự thay đổi triệt để" như Dự án Manhattan, sáng kiến của chính phủ Mỹ để chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến II. Sứ mệnh này được kỳ vọng hoàn thành vào ngày 4/7/2026, trùng mốc kỷ niệm 250 năm quốc khánh Mỹ.
Tuy nhiên, Ban Hiệu suất Chính phủ không phải là một cơ quan trong chính quyền và lãnh đạo đơn vị này không phải là công chức, nên cả Musk lẫn Ramaswamy đều sẽ không phải từ bỏ vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp của họ khi đảm nhận vai trò mới. Đây là lý do nhiều người bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của cơ quan do hai doanh nhân lãnh đạo, đặc biệt khi nó có thể liên quan tới những xung đột lợi ích.
Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang nêu rõ đơn vị có vai trò tham vấn như Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) phải đảm bảo các khuyến nghị của họ không thiên vị vì bất kỳ lợi ích đặc biệt nào. Song ông Musk, người giàu nhất thế giới, có nguy cơ xung đột lợi ích với chính phủ Mỹ lớn hơn bất kỳ ai.
Musk sở hữu, điều hành hoặc đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, sở hữu các tập đoàn, công ty tỷ USD liên quan tới nhiều bộ và cơ quan chính phủ liên bang, khiến bất cứ quy định, bộ phận nào mà ông muốn cắt giảm đều có thể liên quan đến lợi ích kinh doanh của ông.
Tỷ phú Mỹ Elon Musk trong cuộc mít tinh của ông Trump ở Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP
Tesla
Công ty xe điện Tesla mà ông Musk làm giám đốc điều hành hiện có giá trị 1,25 nghìn tỷ USD. Giá trị này cao hơn mọi công ty ôtô được niêm yết công khai khác của Mỹ cộng lại, dù Tesla chỉ xếp thứ 10 về doanh thu và thứ 9 về lợi nhuận. Giới quan sát đánh giá triển vọng của Tesla rất lớn, có thể dần chiếm thị phần của các công ty sản xuất ôtô khác.
Tuy nhiên, Tesla cũng đang gặp rắc rối với chính phủ Mỹ. Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã điều tra hệ thống lái tự động của Tesla từ tháng 8/2021. Báo cáo được NHTSA công bố hồi tháng 4 cho hay chế độ lái tự động "dẫn tới tình trạng sử dụng sai mục đích và các vụ tai nạn", cáo buộc 13 vụ tai nạn chết người là do tính năng này và việc lạm dụng nó.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự ở các cơ quan liên bang của DOGE, trong đó có NHTSA, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc điều tra, theo giới quan sát.
SpaceX
Giá trị thị trường công ty Space X của Musk đã tăng gấp đôi trong năm ngoái và ước tính lên tới 350 tỷ USD. Các nhà quan sát cho rằng một số khoản lợi nhuận đó là do mối quan hệ thân thiết của Musk với ông Trump.
SpaceX đã nhận được hơn 15 tỷ USD từ các hợp đồng với chính phủ liên bang Mỹ trong vài năm qua. Công ty đang tìm kiếm thêm hàng tỷ USD từ NASA cho sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng, hay từ Bộ Quốc phòng với các dự án dịch vụ truyền thông vệ tinh, hoặc từ Ủy ban Truyền thông Liên bang để cung cấp dịch vụ băng thông rộng vùng nông thôn thông qua Starlink.
NASA gần đây nhờ SpaceX giải cứu hai phi hành gia bị mắc kẹt sau khi chương trình Starliner của Boeing không thể gửi tàu đưa họ từ Trạm Vũ trụ Quốc tế về mặt đất.
Tuy nhiên, SpaceX cũng là mục tiêu điều tra của Cục Hàng không Liên bang (FAA) trong nỗ lực quản lý các vấn đề về môi trường. Phản ứng của SpaceX là muốn FAA tập trung vào vấn đề của Boeing, thay vì công ty của Musk.
Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu kế hoạch cắt giảm ngân sách tương lai cho các cơ quan liên bang của ông Musk có thể ảnh hưởng thế nào tới nguồn tài trợ cho SpaceX, cũng như Boeing và nhiều công ty hàng không vũ trụ khác.
Ngoài ra, tỷ phú Mỹ đã vướng tranh cãi với Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) sau khi SpaceX sa thải các lao động công khai chỉ trích ông Musk. NLRB nói rằng những nhân viên này bị sa thải bất hợp pháp.
Hồi tháng 1, ông Musk đệ đơn kiện NLRB lên tòa án liên bang ở Texas, lập luận rằng các thẩm phán luật hành chính của ủy ban đã lách luật khi không xét xử bằng bồi thẩm đoàn. Ông yêu cầu cách chức những thẩm phán đó.
"Nếu DOGE đề nghị tổng thống cắt giảm biên chế tại NLRB bằng cách sa thải thẩm phán, hãy xem điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh và các vấn đề pháp lý của ông Musk", George Chidi, nhà phân tích củaGuardian nói.
Mạng xã hội X
Sau khi Musk mua lại Twitter và đổi tên mạng xã hội này thành X vào năm 2022, ông tuyên bố sẽ rút niêm yết công ty và bị cổ đông kiện về hành vi thao túng cổ phiếu, cũng như thúc đẩy cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Đây không phải lần đầu ông Musk và SEC nảy sinh mâu thuẫn. Musk từng nộp phạt 20 triệu USD vì đăng bài trên X về ý định rút niêm yết Tesla năm 2018, khiến giá cổ phiếu tăng cao. SEC khi đó nói bài đăng vi phạm luật chứng khoán vì "hoàn toàn sai sự thật và gây hiểu lầm". Để dàn xếp vụ kiện, Musk đã đồng ý để SEC cử người giám sát kiểm tra các bài đăng trên mạng xã hội của ông, nhằm đảm bảo chúng không vi phạm luật chứng khoán.
SEC đã tìm cách trừng phạt Musk liên quan tới cuộc điều tra về X. Dù nguy cơ rất thấp, ông Musk vẫn có khả năng đối mặt cáo buộc hình sự về hành vi thao túng cổ phiếu. Một số nhà quan sát tự hỏi liệu kế hoạch tinh giản SEC của ông Musk tác động thế nào tới cuộc điều tra này.
Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Sau cuộc bầu cử tổng thống, X đã thông báo về thay đổi điều khoản dịch vụ, nói rằng công ty sẽ bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba nhằm mục đích đào tạo mô hình trí tuệ nhân tạo. Thông báo lập tức thu hút chú ý của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB), cơ quan giám sát của chính phủ Mỹ.
CFBP gần đây đề xuất quy tắc chặn việc mua bán dữ liệu người dùng nhạy cảm. Hiện chưa rõ X có nằm trong phạm vi điều chỉnh của nó hay không. Tuy nhiên, trong một bài đăng gần đây, ông Musk kêu gọi Tổng thống đắc cử Trump "xóa bỏ CFPB" vì cho rằng cơ quan này lãng phí ngân sách.
Công ty xAI
Hiện tại, dữ liệu người dùng trên X là công cụ đào tạo cho xAI, công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của ông Musk. Công ty này được định giá khoảng 50 tỷ USD và đang cạnh tranh với Microsoft, Google và OpenAI.
Các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc việc quản lý những công nghệ có thể gây hại cho con người. Văn phòng chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng đã công bố dự luật quyền về AI hồi tháng 9/2022, trong đó kêu gọi ban hành luật để đảm bảo AI không ảnh hưởng đến quyền công dân hoặc quyền riêng tư.
Musk tuyên bố xAI có ý định xây dựng siêu máy tính lớn nhất thế giới tại Memphis, bang Tennessee và đã triển khai 14 nhà máy phát điện lớn chạy bằng khí đốt để cung cấp năng lượng cho trung tâm dữ liệu tương lai. Nhiều nhà hoạt động về môi trường nói rằng xAI vận hành nhà máy điện không phép, gây ô nhiễm.
Các công ty của Musk cũng nhiều lần xung đột với Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (EPA), từ vấn đề khí thải tại những nhà máy của Tesla tới việc phát thải tại các cơ sở phóng của SpaceX.
Tỷ phú Elon Musk (trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Boca Chica, bang Texas ngày 19/11. Ảnh: AP
Tiền điện tử
Tỷ phú Elon Musk từ lâu là người đam mê tiền điện tử và đã đầu tư vào Bitcoin, Ethereum, Dogecoin. Các công ty của Musk đã chấp nhận tiền điện tử làm phương thức thanh toán dịch vụ.
Tuy nhiên, tiền điện tử đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu lớn về điện để khai thác Bitcoin đã thúc đẩy nhiều người tìm đến nguồn điện giá rẻ và những nơi có quy định năng lượng lỏng lẻo trên toàn cầu. Giới quan sát cho rằng ngành công nghiệp này rất dễ xảy ra gian lận.
SEC đã theo đuổi các vụ kiện chống việc chào bán, sàn giao dịch và dự án tiền điện tử mà chưa đăng ký. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai quản lý tiền điện tử như một loại hàng hóa, điều hoàn toàn khác biệt với quản lý cổ phiếu và trái phiếu, gây ảnh hưởng tới cách giao dịch của công ty sở hữu.
Mạng lưới Thực thi Pháp luật về Tội phạm Tài chính, cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đang xem xét khả năng tiền điện tử có thể được sử dụng như công cụ rửa tiền, tránh né lệnh trừng phạt và tài trợ khủng bố.
Nỗ lực tinh giản bất kỳ cơ quan nào trong số này cũng có thể tác động trực tiếp đến Musk, theo giới quan sát.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bác bỏ những lo ngại về nguy cơ xung đột lợi ích của ông Musk khi lãnh đạo DOGE. "Tôi nghĩ Elon sẽ đặt đất nước lên trên công ty của mình", ông nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Time, nhưng không nêu rõ về cơ chế sẽ giám sát và đánh giá điều đó.
Thùy Lâm (Theo Reuters, The Guardian, Time)