Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và chín ngân hàng lớn chiều 6-1 - Ảnh: N.BÌNH
Chiều ngày 6-1, tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và chín ngân hàng lớn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh vai trò quan trọng của các ngân hàng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Kế hoạch huy động nguồn vốn lớn chưa từng có
Ông Phan Văn Mãi cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 10% vào năm 2025, TP.HCM cần huy động khoảng 620.000 tỉ đồng tổng vốn đầu tư xã hội.
Trong đó, 110.000 tỉ đồng sẽ từ nguồn đầu tư công và 510.000 tỉ đồng sẽ huy động ngoài ngân sách, bao gồm vốn FDI, kiều hối và các chương trình hợp tác.
Hệ thống ngân hàng dự kiến cung cấp 370.000 tỉ đồng, còn lại 140.000 tỉ đồng sẽ đến từ các nguồn khác, bao gồm hợp tác giữa các ngân hàng với HFIC được ký kết ngày hôm nay.
"Quy mô kinh tế TP.HCM năm 2024 ước đạt 1,78 triệu tỉ đồng. Để tăng ít nhất 10%, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự huy động mạnh mẽ từ tất cả các nguồn lực. Chúng ta cần đảm bảo huy động đủ vốn không chỉ cho năm 2025 mà còn duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn", ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chia sẻ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 của thành phố là 9 - 10%, với tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động ít nhất 4,4 triệu tỉ đồng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, con số này có thể lên đến 5 triệu tỉ đồng. Ông Mãi khẳng định vai trò của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục là động lực chính để thực hiện các mục tiêu này.
"Đây là con số lớn và thành phố xác định sự đóng góp của ngân hàng rất quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh thành phố sắp triển khai nhiều dự án trọng điểm như đường vành đai, hệ thống đường sắt đô thị, và Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM", ông Mãi cho biết.
Thúc đẩy giải ngân các dự án hiệu quả
Ông Trương Tuấn Anh, giám đốc HFIC, nhìn nhận với cơ chế đặc thù từ nghị quyết 98, HFIC đã được trao thêm quyền tự chủ tài chính, bao gồm giữ lại lợi nhuận sau thuế và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ. HFIC cũng là đầu mối triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án kinh tế - xã hội ưu tiên.
"Đây là cơ hội để HFIC tăng cường tiềm lực tài chính, mở rộng huy động nguồn lực, đồng thời nhận ủy thác phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi", ông Tuấn Anh nói.
Các ngân hàng tham gia thỏa thuận bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, MBBank, ACB, Sacombank và SaigonBank.
Ông Đặng Hoài Đức, đại diện Vietcombank, cho biết chương trình kích cầu tín dụng đã giúp nhiều doanh nghiệp lớn mạnh và tạo tác động tích cực đến sự phát triển xã hội.
TP.HCM kỳ vọng thông qua hợp tác này, chương trình không chỉ huy động vốn mà còn phải dẫn dắt, đảm bảo sử dụng vốn an toàn, hiệu quả. Với kinh nghiệm quản lý và nguồn vốn của các ngân hàng, các dự án tín dụng sẽ được thúc đẩy nhanh chóng, góp phần tạo nên những không gian phát triển mới cho thành phố.