Chuyên mục  


Số liệu do Cục Thống kê TP HCM vừa công bố cho biết hoạt động logistics góp đến 25,4% vào mức tăng GRDP. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt 7,17%.

Cụ thể, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 460.849 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2023. Trong khi vận tải hành khách giảm 8,3% thì vận tải hàng hóa tăng 12,2% và dịch vụ hỗ trợ tăng 47,9%.

Riêng hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính và chuyển phát đã chiếm gần 72,5% tổng doanh thu ngành, ước đạt hơn 333.900 tỷ đồng và tăng 47,9% so với năm 2023. "Hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng tích cực góp phần thúc đẩy dịch vụ logistic Thành phố", Cục Thống kê nhận định.

Tháng trước, báo cáo của Sở Công Thương cho rằng TP HCM đang dần trở thành đầu tàu trong lĩnh vực thương mại điện tử, tăng trưởng 52% năm 2024, so với mức 42% của cả nước. Xét về doanh số, Thành phố dẫn đầu và chiếm 33% cả nước.

Theo cơ quan này, sự bùng nổ, duy trì và phát triển của các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki cùng sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử và tiếp thị số đã tạo nên hệ sinh thái thương mại điện tử sôi động bậc nhất cả nước.

Ngoài ra, TP HCM còn lợi thế nhờ hạ tầng công nghệ tiên tiến, với tổng số thuê bao Internet dẫn đầu cả nước, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và mạng lưới viễn thông phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận thương mại điện tử và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Một nhân viên giao hàng đang chờ khách trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM ngày 20/11/2024. Ảnh: Dỹ Tùng

Địa phương đang có hơn 28.400 website (chiếm gần 47% cả nước), 305 ứng dụng bán hàng (hơn 45% cả nước), 165 ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử (hơn 43% cả nước) đã đăng ký. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam năm qua vượt 25 tỷ USD, tức ước quy mô thị trường TP HCM đã vượt trên 8 tỷ USD.

Tính chung 2024, khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế TP HCM, với tăng trưởng 7,7%, chiếm 65,5% GRDP và đóng góp gần 69% vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,89% và đóng góp 22,5% vào mức tăng GRDP.

Theo Cục Thống kê, ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm. Ngành chế biến, chế tạo là trụ cột của công nghiệp nhưng có mức tăng thấp hơn so với toàn ngành.

Hoạt động xây dựng chỉ đóng góp 2,4% vào mức tăng GRDP. Giải ngân vốn đầu tư công không đạt mục tiêu đã ảnh hưởng đáng kể tăng trưởng ngành này và cộng hưởng các ngành khác, qua đó làm giảm đà tăng trưởng của đầu tàu kinh tế.

Vốn đổ vào làm ăn cũng chưa mạnh mẽ. Thu hút FDI năm qua hơn 2,28 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ 2023. Từ đầu năm đến ngày 20/12, Thành phố cấp phép 48.012 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký đạt 402.033 tỷ đồng, giảm 7,9% về giấy phép và giảm 14,5% về vốn so với cùng kỳ. Nhìn chung, môi trường kinh doanh trên địa bàn chưa có đột phá khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 3,1% và số lượng doanh nghiệp rút lui tăng 5,2% năm qua.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020