Chuyên mục  


Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tăng 8,4% so với 2023 (1,3%), mức cao nhất kể từ 2020, theo Tổng cục Thống kê. Một số ngành sản xuất trọng điểm phát triển tốc độ cao như dệt may, cao su, nhựa, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử.

Riêng quý IV, cơ quan này cho rằng sản xuất tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm, giúp IIP tăng 7,9%.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 38% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh ba tháng cuối năm tốt hơn và trên 20% gặp khó khăn. Dù vậy, hai chỉ số này đều tốt hơn so với quý trước đó.

Con đường phục hồi có tín hiệu chững lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2024 do S&P Global công bố lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 50 trong ba tháng, còn 49,8 điểm. Kết quả dưới 50 phản ánh xu hướng thu hẹp hoạt động.

Hãng dữ liệu và phân tích thị trường của Mỹ cho rằng kết quả PMI tháng qua cho thấy các điều kiện kinh doanh tổng thể đã giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm. Theo khảo sát, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng trong tháng 12, nhưng tốc độ yếu nhất trong 3 tháng qua.

"Ngành sản xuất Việt Nam đã mất đi động lực tăng trưởng trong tháng cuối năm 2024", báo cáo nhận xét.

Nguồn: S&P Global

Một số doanh nghiệp cho biết nhu cầu khách hàng cải thiện, trong khi những công ty khác lại báo cáo các điều kiện thị trường suy giảm. Tổng lượng đặt hàng mới tăng, nhưng đơn cho xuất khẩu giảm tháng thứ 2 liên tiếp.

Trong tọa đàm gần đây, TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam lưu ý tín hiệu cho thấy xu hướng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc chậm lại những tháng cuối năm.

Niềm tin kinh doanh trong tháng cuối 2024, theo khảo sát của S&P Global, cũng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, lý giải những bất ổn trên thị trường thế giới đã góp phần làm giảm niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam.

"Điều này một phần phản ánh tình trạng không chắc chắn liên quan đến những kế hoạch của chính quyền Mỹ sắp tới về thuế", ông nêu.

Nhà máy sản xuất thép tại Dung Quất, Quảng Ngãi vào tháng 4/2024. Ảnh: Giang Huy

Đánh giá thách thức của các tháng gần đây, kết quả khảo sát quý IV của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra hơn 30% doanh nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó do nhu cầu quốc tế thấp. Thị trường trong nước chưa thuận lợi, với 53% nói nhu cầu thấp và hơn 51% cho rằng tính cạnh tranh cao.

Trong một diễn đàn diễn ra tháng trước tại TP HCM, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng khó khăn với doanh nghiệp vẫn là vấn đề pháp lý, chi phí đầu vào, đơn hàng phục hồi không đồng đều, cũng như thiếu lao động, năng suất thấp trong bối cảnh yêu cầu xanh, số hóa ngày càng cao.

Tuy vậy, các nhà sản xuất vẫn lạc quan về khả năng mở rộng hoạt động trong 2025. Theo khảo sát của S&P Global, doanh nghiệp dự kiến sản lượng tăng trong những tháng tới. Do đó, họ đã tăng mua hàng trở lại với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng qua. Các nguyên nhân được chỉ ra là kỳ vọng về đơn hàng mới gia tăng, sự cải thiện của các điều kiện kinh tế và giải pháp cho một số cuộc xung đột trên thế giới.

Khoảng 74,5% doanh nghiệp chế biến-chế tạo tại TP HCM dự báo tình hình quý đầu năm nay tốt hơn quý cuối 2024, theo khảo sát của Cục Thống kê. Trong khi chỉ 25,5% nghĩ rằng sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những "cơn gió ngược" khó lường. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba), diễn biến bất lợi của chính trị thế giới sẽ tiếp tục tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu năm nay.

TS Nguyễn Xuân Thành tại Fulbright Việt Nam cũng cảnh báo khả năng tăng trưởng xuất khẩu 2025 sẽ thấp hơn năm ngoái và "không nên đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực này".

Những thách thức này bổ sung vào hiện trạng nội tại một số doanh nghiệp có khả năng chống chịu bị bào mòn, sức mua của một phần dân cư chưa tốt từ năm ngoái, theo Huba. Với điều kiện bên ngoài, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng giúp Việt Nam hưởng lợi một phần nhưng yếu tố bất lợi có thể nhiều hơn.

Nêu kiến nghị, hơn 22% doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê hỏi muốn nhà quản lý tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, tuyên truyền để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trên 20% doanh nghiệp kỳ vọng tăng hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Họ cũng cho rằng cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính (25,2%), ổn định giá nguyên vật liệu (33,3%) và 42% muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020