Lý, 37 tuổi, sinh ra ở tỉnh Vân Nam và bị bắt cóc khi 4 tuổi. Lý bị bán cho gia đình bố mẹ nuôi ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cách quê hương 2.000 km.
Lý đã cung cấp mẫu máu cho giới chức địa phương và bắt đầu vẽ tay bản đồ ngôi làng anh từng sống theo trí nhớ. Lý đã dò hỏi trên mạng với hy vọng tìm kiếm manh mối về quê hương.
Bản đồ vẽ tay đã giúp cảnh sát xác định quê hương của Lý là ngôi làng gần thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Lý Cảnh Vĩ cho biết trong video đăng lên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc ngày 28/12.
Giới chức đã tìm thấy một người phụ nữ có khả năng cao là mẹ Lý và tiến hành xét nghiệm ADN. Kết quả xác nhận Lý là con của bà. Hai mẹ con dự kiến gặp lại nhau vào ngày 1/1 tới. Cha ruột của Lý đã qua đời.
Lý Cảnh Vĩ cùng một phần hình ảnh bản đồ vẽ tay quê hương. Ảnh: Weibo.
Lý kể anh bắt đầu có động lực tìm lại cha mẹ ruột sau khi biết được hai câu chuyện nổi tiếng của Quách Cương Đường và Tôn Hải Dương, hai người cha đã tìm thấy con bị bắt cóc sau nhiều năm tìm kiếm. "Tôi nhận ra rằng mình không thể đợi thêm nữa bởi cha mẹ tôi có lẽ đã quá già. Tôi lo lắng rằng khi tôi tìm thấy, họ đã qua đời", anh chia sẻ.
Quách là người cha nổi tiếng ở Trung Quốc với hành trình tìm con trai bị mất tích suốt 24 năm. Ông rong ruổi trên xe máy 500.000 km để chia sẻ thông tin về vụ bắt cóc và đã phải thay 10 chiếc xe. Ông cuối cùng gặp lại con trai vào tháng 7.
Hành trình tìm con của Quách được chuyển thể thành phim Thất Cô năm 2015 với sự góp mặt của diễn viên Hong Kong Lưu Đức Hoa.
Tháng trước, Tôn, người cha cũng truyền cảm hứng cho một bộ phim về chống nạn buôn người, đoàn tụ với con trai sau 14 năm tìm kiếm. "Khi tôi thấy câu chuyện của ông Quách Cương Đường, tôi nghĩ mình nên cố gắng tìm lại cha mẹ ruột. Tôi muốn gặp khi họ vẫn còn sống", Lý nói.
Bản đồ của Lý chi tiết tới mức khiến nhiều người Trung Quốc kinh ngạc, vì nó bao gồm cả mô tả về các ngôi nhà trông ra sao và cách dân làng sử dụng những chiếc xô lớn bằng gỗ để nấu cơm. Lý nhớ đã bị một người hàng xóm lừa cho đồ chơi và bắt cóc.
"Nhớ về bố mẹ tôi và những gì xunh quanh nhà là thói quen của tôi suốt một thời gian dài", Lý nói.
Bản đồ quê hương vẽ tay của Lý Cảnh Vĩ. Ảnh: Weibo.
Lý chia sẻ ngày còn đi học anh từng rất đau khổ mỗi khi đọc những bài báo về đoàn tụ gia đình. Nhưng thời gian trôi qua, công việc bận rộn và sau đó là cuộc sống gia đình với những đứa con đã khiến anh dần nguôi ngoai.
Lý không cho biết anh sẽ đối mặt bố mẹ nuôi như thế nào sau khi đoàn tụ với mẹ ruột. Nhiều người bị bắt cóc ở Trung Quốc không muốn bố mẹ nuôi của mình bị truy cứu trách nhiệm, dù họ có khả năng đã tiếp tay cho nạn buôn người.
Thanh Tâm (Theo SCMP)