Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 11/11 đến thăm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một trong những dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mức vốn 9 tỷ USD.
Nhà máy nắm một phần ba nguồn cung xăng dầu trong nước này đang đối diện nhiều thách thức. Ở bên ngoài, thị trường thay đổi bất lợi, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu dẫn tới biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh, doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng ban đầu. Còn bên trong, việc quản trị, điều hành nhà máy có nhiều bất cập, việc sản xuất chưa ổn định và tối ưu về chi phí.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, công ty vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhận trước thuế những năm qua tuy có cải thiện nhưng chưa tạo chuyển biến đáng kể. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn đang bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngày 11/11. Ảnh: VGP
Trước những vấn đề này, Thủ tướng đánh giá, khi lập, triển khai và vận hành dự án, các bên đã không dự báo được hết những khó khăn có thể xảy ra, đặc biệt là những biến động gần đây của tình hình thế giới. Ông yêu cầu phải tái cấu trúc tổng thể dự án.
Về cơ cấu sở hữu, một trong những vấn đề đặt ra là công ty, nhà máy hoạt động theo hợp đồng liên doanh và điều lệ liên doanh, bao gồm Hội đồng thành viên và Ban tổng giám đốc chủ yếu là người Nhật và Kuwait.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh của 4 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI, Công ty Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsu.
Do đó, Thủ tướng nói, công ty và các bên góp vốn phải cùng PVN sớm tái cấu trúc đội ngũ quản trị, nhân sự. Trong đó, ông yêu cầu có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra.
Các bên liên quan cũng cần tiến hành tái cấu trúc về tài chính, ví dụ giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Hiện tổng vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là hơn 4,2 tỷ USD, vốn vay từ ngân hàng là hơn 4,5 tỷ USD - tức chiếm tỷ lệ lớn với lãi suất cao.
Cuối cùng là tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh (sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (dự kiến tiết kiệm được 70 triệu USD); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm.
Thủ tướng đề nghị công ty tiếp tục vận hành nhà máy bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường; sản xuất, cung ứng đầy đủ nguồn xăng dầu đã đăng ký. Các bộ, ngành địa phương cũng cần tạo điều kiện để dự án hoạt động.
Tổng giám đốc So Hasegawa thừa nhận những vấn đề Thủ tướng phân tích liên quan tới nguồn tài chính, quản trị và sản xuất. Ông cho biết sẽ phối hợp với các bên để triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ ra, giải quyết các khó khăn, cải thiện tình hình trong những năm tới.
Một ngày trước, Quốc hội đã đồng ý chi hơn 9.650 tỷ đồng để bù giá bao tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhưng Chính phủ cần rà soát lại số liệu.
Theo thỏa thuận cam kết bảo lãnh Chính phủ (GGU) năm 2013, PVN bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Nghi Sơn với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7% (tức cộng thêm 3% với các sản phẩm hóa dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Tính đến hết tháng 9/2023, công ty đã chế biến khoảng 45,3 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 36,82 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó 10 tháng đầu năm 2023, sản xuất được 5,9 triệu tấn sản phẩm các loại (đạt 83% kế hoạch năm). Tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu PVN đã bao tiêu khoảng 27,74 triệu tấn.
Đức Minh