Hai lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới sẽ có nhiều cơ hội tương tác với nhau hơn vào năm tới, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nỗ lực khẳng định sức mạnh của Nga trên trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại Helsinki, Phần Lan, hồi tháng 7/2018. Ảnh: AFP
Ông Trump đang khao khát một thỏa thuận mang tính đột phá để chấm dứt xung đột Ukraine, nhằm xây dựng hình ảnh "người gìn giữ hòa bình toàn cầu". Trong khi đó, ông Putin lại tìm kiếm một thỏa thuận lớn về an ninh châu Âu sẽ khiến Ukraine trở nên phụ thuộc vào Nga, làm suy yếu NATO và củng cố vị thế của Moskva như một cường quốc toàn cầu.
Trước bất kỳ cuộc đàm phán tiềm tàng nào, Điện Kremlin đang đánh giá cẩn thận thông điệp, tham vọng cũng như điểm yếu của đối phương, đồng thời vẫn cảnh giác trước tính khó lường mà ông Trump lâu nay vẫn thể hiện.
Theo các nhà phân tích Nga, điểm yếu của Tổng thống đắc cử Mỹ nằm ở những kiến thức thiếu đầy đủ về địa chính trị và xu hướng dựa vào trực giác thay vì lý trí và lời khuyên của các cố vấn.
"Chúng tôi đã thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông ấy không phải người suy xét sâu sắc về vấn đề địa chính trị", Konstantin Remchukov, biên tập viên báo Nezavisimaya Gazeta của Nga, cho hay.
Vấn đề lớn nhất giữa hai người sẽ là cuộc xung đột ở Ukraine mà ông Trump cam kết sẽ chấm dứt trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt cho bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào, trong đó có ngăn Ukraine gia nhập NATO, cắt giảm đáng kể quân đội Ukraine và yêu cầu Kiev công nhận những phần lãnh thổ Nga đang kiểm soát.
Các nhà phân tích không đặt quá nhiều kỳ vọng vào một thỏa thuận hòa bình, xét đến lập trường lợi ích tối đa của Tổng thống Putin và tâm lý thận trọng của Tổng thống đắc cử Trump về việc nhượng bộ trước Nga.
"Ông Trump, giống như bất kỳ lãnh đạo thế giới nào, muốn đàm phán từ vị thế mạnh. Ông ấy không muốn bị coi là yếu đuối và không muốn bị coi là đang cúi đầu trước Tổng thống Putin", Joshua Huminski, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội Mỹ, cho hay.
Đến nay, những tín hiệu giữa ông Putin và ông Trump chưa cho thấy một kỷ nguyên mới của mối quan hệ nồng ấm hơn.
Tháng trước, Tổng thống Putin cảnh báo rằng Tổng thống đắc cử Mỹ "không an toàn" sau hai lần suýt bị ám sát. "Thật không may, trong lịch sử Mỹ, đã có rất nhiều sự cố xảy ra", ông chủ Điện Kremlin nói.
Ông Trump trong khi đó đã tỏ ra vui mừng sau khi chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh quan trọng của Nga ở Trung Đông, sụp đổ, cho rằng Nga đang "ở tình trạng suy yếu" vì xung đột Ukraine và nền kinh tế đang gặp khó khăn.
"Đây là lúc phải hành động", ông nói, gợi ý Tổng thống Putin nên ngừng bắn ở Ukraine để đàm phán hòa bình.
Phát biểu vài ngày sau khi ông Trump chiến thắng cuộc đua Nhà Trắng, Tổng thống Putin tuyên bố rằng trật tự mới của ông sắp xuất hiện.
"Ngay trước mắt chúng ta, một trật tự thế giới hoàn toàn mới đang nổi lên, không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trước đây", ông nói, thêm rằng khi trật tự dựa trên luật lệ cũ không còn nữa, "một cuộc đấu tranh dữ dội, không khoan nhượng sẽ diễn ra để định hình nên trật tự mới".
Theo ông, NATO đã là một liên minh "hoàn toàn lỗi thời" và trật tự thế giới cần phải thay đổi vì "những trung tâm quyền lực mới đang nổi lên".
Tác giả Mikhail Zygar, hiện sống tại Mỹ nhưng đã bị kết án tại Nga hồi tháng 7 vì chỉ trích chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine, cho biết Tổng thống Putin dường như đang gửi thông điệp trực tiếp tới Tổng thống đắc cử Trump khi ông nói rằng sớm hay muộn phương Tây sẽ hiểu được nhu cầu về "một cách tiếp cận thực dụng, tỉnh táo, dựa trên đánh giá khá khắc nghiệt, đôi khi hoài nghi, nhưng hợp lý về các sự kiện và năng lực của chính họ".
"Sức mạnh tạo nên lẽ phải và nguyên tắc này đang phát huy hiệu quả. Các quốc gia phải bảo vệ lợi ích của mình bằng quân sự, khẳng định chúng bằng mọi cách cần thiết", Tổng thống Putin khẳng định.
Hai ngày sau, Nga phóng một mẫu tên lửa tầm trung mới mang tên Oreshnik vào Ukraine. Kể từ đó, ông đe dọa sẽ sử dụng tên lửa này để phá hủy các trung tâm đầu não về chính trị và quân sự của Ukraine.
Về phần mình, ông Trump đã chọn tướng về hưu Keith Kellogg làm phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine. Kellogg từng lập luận rằng cách tiếp cận mang tính thực dụng của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên cho phép ông "giảm căng thẳng với Tổng thống Putin trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích an ninh mà Mỹ đề cao".
Trong lúc ông chủ Điện Kremlin và ông chủ Nhà Trắng tương lai chuẩn bị tương tác, lãnh đạo Nga đang đứng trước câu hỏi liệu nền kinh tế của ông có thể tiếp tục chống chọi loạt lệnh trừng phạt của phương Tây khi chiến sự Ukraine kéo dài hay không. Tuy nhiên, ông đánh cược rằng thời gian đó sẽ dài hơn thời gian mà Ukraine có thể cầm cự, đặc biệt khi Moskva tin rằng việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Kiev sẽ bị cắt giảm dưới thời ông Trump.
Theo Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu, Tổng thống Putin dường như đang chờ đợi những quyết định từ tổng thống Mỹ tương lai.
Bà cho biết thêm rằng ông chủ Điện Kremlin dường như hy vọng "có thể thuyết phục ông Trump rằng xung đột cần phải chấm dứt, nhưng phải theo các điều kiện của Nga".
"Nếu không thành công, ông ấy sẽ tiếp tục chiến đấu như trước", bà nói. "Ông ấy đang trông chờ vào khả năng Ukraine không thể cầm cự lâu dài".
Một học giả thân cận với các nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết Điện Kremlin hiện không có động lực thỏa hiệp khi lực lượng nước này vẫn đạt được lợi thế trên chiến trường Ukraine, đặc biệt là ở miền đông, và không có bất kỳ ai dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ.
"Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng ở thế cửa trên, chứ không phải thế yếu hơn", ông cho hay.
Theo các quan chức ở Moskva, tuyên bố của Trump về việc ông có thể nhanh chóng kết thúc xung đột Ukraine cho thấy tính thiếu kiên nhẫn, vì vậy họ kiên quyết cho rằng thỏa thuận hòa bình phải giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc chiến, ám chỉ Nga sẽ biến các cuộc đàm phán thành một quá trình lâu dài và phức tạp về một hiệp ước an ninh châu Âu rộng lớn hơn.
Mong muốn của Tổng thống Putin về một thỏa thuận lớn về cấu trúc an ninh châu Âu đã được truyền đạt thông qua nhà tài phiệt bảo thủ thân cận với Điện Kremlin Konstantin Malofeyev. Ông cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times trong tháng qua rằng Tổng thống Putin sẽ từ chối mọi thỏa thuận của ông Trump trừ khi nó liên quan đến không chỉ Ukraine mà còn cả châu Âu và thế giới.
"Tôi hy vọng ông Trump không rơi vào cái bẫy đó vì châu Âu sẽ phản đối và tôi nghĩ Ukraine cũng sẽ phản đối", một cựu nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ kiêm chuyên gia về Nga, bình luận.
Điểm gây chú ý khác là quan điểm được chia sẻ bởi rất nhiều người trong vòng tròn thân cận của Tổng thống đắc cử Mỹ về nhiệm vụ phải chia rẽ liên minh Nga - Trung đang nổi lên.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 với nhà bình luận cánh hữu Tucker Carlson, Trump cho biết ông sẽ phải "chia rẽ" Nga và Trung Quốc.
"Trường phái tư tưởng này có vẻ được nhiều người trong nhóm ông Trump ưa chuộng, kể cả những người được đề cử vào nhóm an ninh quốc gia của ông", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu, trụ sở tại Berlin, nhận xét.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 11/2017. Ảnh: AFP
Một thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội cho rằng "chiến lược gây chia rẽ" này là nỗ lực tuyên truyền của Nga nhằm thuyết phục phương Tây mềm mỏng hơn với Tổng thống Putin.
Nga phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt thương mại và cả Tổng thống Putin lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều biết rằng ông Trump sẽ rời đi sau 4 năm nữa.
Theo Gabuev, bất kỳ động thái nào của Tổng thống đắc cử Mỹ nhằm làm suy yếu mối quan hệ Nga - Trung đều sẽ không thành công, xét đến "mối quan hệ cá nhân giữa hai người, tâm lý hoài nghi chung của họ đối với Washington và hy vọng trở nên hùng mạnh hơn trong một trật tự đa cực mới".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)