Chuyên mục  


"Lũ trẻ vui vẻ như thể đang trong chuyến dã ngoại", Andaleeb al-Zaq, 48 tuổi, nói khi cùng con cháu ra biển tắm và giặt quần áo.

Gia đình cô, tổng cộng 16 thành viên, đã phải rời nhà ở Shujaiya, phía đông Gaza City, ngay sau khi chiến sự bùng phát.

Họ hướng tới Deir al-Balah ở miền trung Dải Gaza, tìm đường đến trường tiểu học nam sinh Alif hiện là nơi tị nạn của 8.000 người, điều hành bởi Liên Hợp Quốc. Các lớp học chật kín gia đình trú ẩn. Có khoảng 80 người mỗi lớp, lều bạt phủ kín sân trường.

Ngôi trường hoàn toàn không còn nước sạch. Vì nó nằm gần Địa Trung Hải, nhiều gia đình trú ẩn ở trường đưa con cái đến bờ biển bơi, tắm và giặt giũ.

Andaleeb giặt đồ cho gia đình bằng nước biển ở Deir al-Balah, miền trung Gaza. Ảnh: Al Jazeera

Israel phong tỏa hoàn toàn Gaza sau khi chiến sự bùng phát. Một số hàng viện trợ đã được phép đi qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập từ cuối tháng 10, song nhiên liệu vẫn bị cấm do Tel Aviv lo ngại lực lượng Hamas kiểm soát dải đất có thể dùng chúng với mục đích quân sự.

Thiếu nhiên liệu, nhà máy khử muối duy nhất ở Gaza đã ngừng hoạt động. "Chúng tôi không có nước, hệ thống vệ sinh, xử lý nước thải. Với tình trạng thiếu vệ sinh cơ bản này, người lớn và trẻ em đều khổ sở", Imm Mahmoud, bà mẹ 52 tuổi trú tại trường Alif, nói.

Bà không còn lựa chọn nào khác, buộc phải ra biển giặt quần áo cho gia đình. Nhưng ngay cả nước biển cũng bị ô nhiễm.

"Trẻ em bị tiêu chảy, ho và cảm lạnh do bơi ở biển ô nhiễm. Nhưng chúng tôi có thể làm gì? Lũ trẻ cần ra ngoài giải phóng năng lượng. Nhốt mình trong trường học có thể khiến chúng la hét, nổi cáu với gia đình", Imm nói thêm.

Hai em nhỏ giúp nhau gội đầu trên bãi biển Deir al-Balah, miền trung Gaza. Ảnh: Al Jazeera

Nước biển Gaza vốn ô nhiễm trước khi chiến sự bùng phát. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dải đất mỗi ngày đổ ra biển khoảng 100-108 triệu lít nước thải chưa xử lý, do cơ sở hạ tầng vệ sinh lạc hậu và thiếu điện. Đây là nguyên nhân của hơn 1/4 ca bệnh ở dải đất và là tác nhân gây bệnh chính ở trẻ em.

Sau khi chiến sự bùng phát, 130 triệu lít nước thải chưa xử lý đổ ra biển do các nhà máy nước thải trên dải đất đóng cửa hoàn toàn, theo ước tính của Tổ chức Tị nạn Na Uy (NRC).

Ba đường ống dẫn nước sạch lớn ở Dải Gaza đều do Israel kiểm soát. Tel Aviv đóng cửa đường ống từ Israel tới bắc Gaza kể từ ngày 8/10. Ở miền nam, Israel đã nối lại nguồn nước cho Khan Younis từ ngày 15/10, nhưng cắt hai tuần sau đó.

Isreal khẳng định sẽ nối lại nguồn nước ở trung tâm Gaza từ ngày 29/10, nhưng người địa phương nói điều này không xảy ra. Nước chảy từ vòi có vị mặn hoặc hàm lượng clo cao.

"Tình trạng bệnh tật, nhiễm trùng bùng phát mạnh ở khu vực. Thiếu điện và nước sạch khiến tình hình thêm trầm trọng. Do thiếu nước, nhiều người phải liều mạng ra biển tắm giặt dưới nguy cơ không kích", Khalil al-Degran, bác sĩ tại bệnh viện al-Aqsa ở Deir al-Balah, cho biết.

Al-Degran nói rằng ngày 5/11, ba trẻ em đang tắm biển ở phía tây Deir al-Balah đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel, 7 em khác bị thương.

Người Gaza bơi lội, tắm giặt ở biển Deir al-Balah, miền nam Gaza. Ảnh: Al Jazeera

Nhưng các gia đình tị nạn khẳng định phải tiếp tục tắm biển vì "không còn lựa chọn nào khác". "Bên trong các trường học cực kỳ bẩn thỉu và không có nước sinh hoạt. Tôi buộc phải ra biển tắm hai ngày một lần, nếu không cả ngày chỉ ngồi trong lớp học", Nasser Zayed, 60 tuổi, nói.

"Nhà vệ sinh trong trường hôi thối nồng nặc. Mùi kinh khủng bốc khắp khuôn viên do rác ở khắp nơi", Rima Zaqqout, 17 tuổi, cho biết.

Gia đình Rima đã di tản sau khi nhà của họ ở bắc Gaza bị phá hủy. Họ đến nhà dì của Rima, nhưng ngôi nhà bị hư hại trong một trận không kích. Họ tiếp tục đến nhà chú Rima, nhưng ngôi nhà cũng chung số phận không lâu sau đó.

Bất chấp nguy hiểm, biển là nơi nương tựa tạm thời mỗi trưa cho Rima và các anh chị em. "Chúng tôi mang theo dầu gội để tắm cho lũ trẻ và thi thoảng cũng bơi. Chúng tôi đang cố sống qua quãng thời gian khó khăn này", cô nói.

Đức Trung (Theo Al Jazeera)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020