Chuyên mục  


Trong cuộc phỏng vấn với Sky News công bố cuối tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết "giai đoạn căng thẳng" của cuộc chiến có thể kết thúc nếu NATO đưa ra các đảm bảo an ninh cho phần lãnh thổ mà Kiev đang kiểm soát.

Ông cho rằng việc lấy lại các khu vực mà Nga đang kiểm soát có thể thông qua đàm phán sau này. Lãnh đạo Ukraine đã nhắc lại lập trường này trong cuộc phỏng vấn mà hãng tin Nhật Bản Kyodo News công bố ngày 2/12.

"Nếu muốn ngăn chặn giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến, chúng tôi cần phải nắm vững phần lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát dưới sự bảo trợ của NATO. Chúng tôi cần phải làm điều đó nhanh chóng. Sau đó, Ukraine có thể lấy lại các vùng đất bị kiểm soát bằng con đường ngoại giao", ông nói.

Ông nhấn mạnh với Sky News rằng lệnh ngừng bắn cần đảm bảo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không thể đưa quân tới kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine. Nga hiện nắm giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, gồm cả bán đảo Crimea mà Moskva sáp nhập năm 2014. Nga kiểm soát phần lớn các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, tuyên bố sáp nhập các khu vực này vào tháng 9/2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm đơn vị ở Pokrovsk, Donetsk ngày 18/11. Ảnh: AFP

Các cuộc phỏng vấn gần đây của ông Zelensky đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Ukraine đưa ra kế hoạch chấm dứt xung đột mà không kèm điều kiện Nga phải trao trả toàn bộ lãnh thổ đang kiểm soát.

"Đây chắc chắn là sự thỏa hiệp lớn của ông Zelensky về lãnh thổ, nhưng tôi nghĩ nó cũng phản ánh thực tế phũ phàng", Timothy Ash, nhà nghiên cứu của chương trình Nga và Á-Âu tại tổ chức Chatham House ở Anh, nói.

Trước đây, ông Zelensky thường xuyên nhấn mạnh rằng thỏa thuận hòa bình sẽ không được thông qua trừ khi Nga vô hiệu hóa quyết định sáp nhập 4 khu vực.

Hồi tháng 7, ông nói với tờ Le Monde của Pháp rằng các vùng lãnh thổ có thể sáp nhập vào Nga nếu như thông qua một cuộc trưng cầu dân ý tự do và công bằng. Tuy nhiên, để tiến hành cuộc trưng cầu, Ukraine sẽ cần phải tái kiểm soát các khu vực này trước.

Trong cuộc phỏng vấn với Le Parisien ngày 17/12, ông Zelensky thừa nhận quân đội Ukraine không đủ sức giành lại Donbass và Crimea thông qua biện pháp quân sự. Do đó, Kiev chỉ có thể dựa vào sức ép ngoại giao từ cộng đồng quốc tế để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào bàn đàm phán.

Ông Zelensky dường như cũng từ bỏ tuyên bố trước đây rằng Kiev sẽ không đàm phán với Moskva nếu ông Putin còn tại nhiệm.

"Ai ngồi đối diện trên bàn đàm phán cũng không quan trọng", ông phản hồi câu hỏi liệu có chấp nhận gặp trực tiếp ông Putin hay không. "Điều quan trọng là vị thế khi bắt đầu đàm phán. Tôi không nghĩ chúng tôi đang yếu thế, nhưng cũng không có ưu thế".

Cục diện chiến trường Ukraine sau gần 3 năm giao tranh. Đồ họa: RYV

Những bình luận của lãnh đạo Ukraine được đưa ra sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ tháng trước. Chiến thắng của ông Trump dự kiến đánh dấu thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Ukraine.

Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Washington đã cung cấp cho Kiev 64 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ tháng 2/2022, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Mỹ mới đây gỡ rào vũ khí cho Ukraine để có thể sử dụng tên lửa tầm xa ATACM tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Dù kế hoạch hòa bình của ông Trump cho xung đột Nga - Ukraine còn mơ hồ, nhiều người ở Ukraine lo sợ ông sẽ giảm hoặc cắt hoàn toàn viện trợ cho nước này. Nếu không có viện trợ của Mỹ, lực lượng Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chống lại quân đội Nga đang có lợi thế trên chiến trường.

Tổng thống Ukraine đã gặp ông Trump hai lần, vào tháng 9 và vào đầu tháng này. Ông Zelensky hy vọng mình và ông Trump sẽ tìm được tiếng nói chung sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025 và có được thông tin tình báo, quốc phòng, ngoại giao đầy đủ về tình hình Ukraine.

Timothy Ash nói rằng vấn đề quan trọng đối với Ukraine là bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần đảm bảo những phần lãnh thổ mà Kiev đang kiểm soát. "Nếu không, ông Putin có thể nhìn thấy cơ hội để đưa quân vào Ukraine lần nữa", ông nói.

Công chúng Ukraine cũng đang thay đổi lập trường về cuộc chiến. Ngày càng nhiều người muốn kết thúc cuộc chiến nhanh chóng, hơn là đòi hỏi một chiến thắng hoàn toàn.

Theo cuộc thăm dò của Gallup công bố vào tháng trước, 52% người Ukraine muốn xung đột kết thúc "càng sớm càng tốt", ngay cả khi phải nhượng bộ lãnh thổ. Chỉ có 38% người được hỏi muốn Ukraine chiến đấu đến khi giành chiến thắng cuối cùng, giảm đáng kể so với tỷ lệ 73% năm 2022.

Lực lượng Ukraine khai hỏa về phía vị trí quân Nga gần Chasov Yar, vùng Donetsk ngày 18/11. Ảnh: AP

Ukraine đã thúc đẩy nỗ lực gia nhập NATO trong những tháng gần đây. Tư cách thành viên liên minh quân sự là một mục quan trọng trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky.

Lãnh đạo Ukraine ngày 1/12 kêu gọi chính quyền ông Biden thuyết phục các thành viên NATO mời nước này gia nhập NATO. Các thành viên NATO trước đó đảm bảo với Ukraine rằng họ đang trên hành trình "không thể đảo ngược" để trở thành thành viên liên minh.

Tuy nhiên, nhiều thành viên NATO e ngại việc trao cho Ukraine lời mời trong khi cuộc chiến với Nga chưa kết thúc. Bởi nếu Ukraine là thành viên, điều đó đồng nghĩa liên minh sẽ bước vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Phó tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance đã đưa ra một số chi tiết về kế hoạch tiềm năng của ông Trump nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9, ông nói kế hoạch sẽ liên quan tới việc Nga nhận được "đảm bảo duy trì vị thế trung lập của Ukraine", tức là Kiev sẽ không gia nhập NATO.

Keith Kellogg, đặc phái viên xung đột Ukraine mà ông Trump đề cử, hồi tháng 4 từng cho rằng các lãnh đạo NATO không trao lời mời gia nhập cho Ukraine để thuyết phục ông Putin ngồi vào bàn đàm phán.

Adam Parson, phóng viên của Sky News, cho biết các thành viên cấp cao của NATO đang dần chấp nhận ý tưởng về thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. "Đằng sau hậu trường, họ dần nhận ra rằng sẽ cần có thỏa thuận, dù điều đó có khó chấp nhận đến đâu", Parson nói.

Thùy Lâm (Theo Al Jazeera, Sky News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020