Tổng thống Bolivia Luis Arce ngày 1/11 cho biết các nhóm vũ trang ủng hộ cựu tổng thống Evo Morales đã chiếm ba doanh trại quân đội, bắt các quân nhân và gia đình họ làm con tin. Ông khẳng định đây là "hành động phản quốc và xúc phạm Hiến pháp".
Quân đội Bolivia cùng ngày ra tuyên bố cho hay "các nhóm vũ trang không chính quy" đã bắt cóc nhiều quân nhân và kiểm soát các đơn vị quân đội ở tỉnh miền trung Chapare. AFP dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho biết khoảng 20 binh sĩ đã bị bắt làm con tin.
Lực lượng này yêu cầu các nhóm vũ trang phải rời đi "ngay lập tức một cách hòa bình", đồng thời cảnh báo "bất kỳ ai cầm vũ khí chống lại đất nước sẽ bị coi là phản quốc".
Video đăng trên mạng xã hội trước đó cho thấy một sĩ quan, được cho là nằm trong số các quân nhân bị giữ, xác nhận một trung đoàn nước này đã bị bắt theo cách "phi bạo lực".
Những người được cho là quân nhân Bolivia bị nhóm vũ trang ủng hộ ông Morales bắt trong video đăng trên mạng xã hội ngày 1/11. Ảnh chụp từ video
Giới chức không phủ nhận hay xác nhận người này có phải quân nhân Bolivia hay không.
Căng thẳng bùng phát cách đây ba tuần sau khi các điều tra viên Bolivia mở cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc ông Morales có con với một bé gái 15 tuổi hồi năm 2016. Cựu tổng thống Bolivia từ chối ra tòa làm chứng.
Sau khi xuất hiện thông tin mình có thể bị bắt, ông Morales đã ẩn náu tại Chapare, nơi cựu tổng thống được những người trồng cây coca trung thành với ông bảo vệ.
Đụng độ xảy ra tuần trước giữa lực lượng an ninh và những người ủng hộ cựu tổng thống Morales, khiến 30 cảnh sát bị thương và hơn 50 người biểu tình bị bắt. Tại vùng trồng cây coca Chapare, người ủng hộ ông Morales đã bao vây và đe dọa chiếm các doanh trại của quân đội và cảnh sát, yêu cầu hủy bỏ cáo buộc đối với cựu tổng thống.
Cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình ủng hộ ông Morales tại Parotani, Bolivia ngày 1/11. Ảnh: AP
Một số bên, trong đó có thị trưởng La Paz Ivan Arias, đã yêu cầu chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp ở Cochabamba, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi làn sóng biểu tình.
Chính quyền Tổng thống Arce tới nay vẫn tránh điều động quân đội trên quy mô lớn để giải tỏa các con đường bị người biểu tình chiếm. Phe đối lập cho rằng điều này cho thấy sự yếu kém trong cách giải quyết căng thẳng của chính phủ, giữa lúc Bolivia đang gặp khủng hoảng kinh tế.
Ông Morales, từng là người trồng cây coca, vẫn nhận được ủng hộ lớn từ người nghèo và dân Bolivia bản địa, dù đã từ chức vào năm 2019 sau khi chịu sức ép từ các cuộc biểu tình cho rằng ông tái đắc cử một cách không minh bạch.
Phạm Giang (Theo AP)