Thông tin được nêu trong Nghị định 154/2024 có hiệu lực từ 10/1/2025, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
So với nghị định 62/2021 hiện hành, nghị định 154 dành một điều để quy định cụ thể về đăng ký cư trú cho người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi). Theo đó, người chưa thành niên đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi cư trú của bố mẹ hoặc người giám hộ thì bố mẹ, người giám hộ phải kê khai, xác nhận ý kiến vào tờ khai.
Bố mẹ, người giám hộ vẫn phải kê khai, xác nhận nếu người chưa thành niên đăng ký vào nơi ở khác. Trường hợp người chưa thành niên được tòa án quyết định giao cho bố hoặc mẹ chăm sóc thì người chăm sóc sẽ có trách nhiệm kê khai, xác nhận.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày được đăng ký khai sinh thì bố mẹ hoặc người giám hộ, chủ hộ phải làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Nếu bố mẹ không có cả nơi thường trú và tạm trú thì phải khai báo thông tin về nơi cư trú cho người chưa thành niên.
Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên thì cơ quan đăng ký cư trú không phải kiểm tra, xác minh điều kiện về tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.
Hiện chưa có quy định về thời hạn bắt buộc trẻ em phải đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, theo nghị định 144/2021 đang áp dụng, người có hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký hoặc xóa đăng ký thường trú, tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng.
Giấy khai sinh mới nhất. Ảnh: P.D
Quy định hiện hành chỉ nêu chung về các giấy tờ cần chứng minh khi đăng ký cư trú, nhưng nghị định 154 chia rõ hơn về các loại giấy tờ, tài liệu cần thiết khi đăng ký thường trú và tạm trú.
Về thường trú, một điểm mới là người dân được dùng giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc thế chấp, cầm cố quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp để đăng ký. Còn lại, các giấy tờ khác vẫn giữ nguyên như hiện hành là: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; giấy phép xây dựng; giấy tờ mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận cho tặng, thừa kế; giấy tờ về nhà tình nghĩa; hợp đồng về việc cho thuê, mượn, ở nhà được công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, nếu người dân ở nhà chưa có sổ đỏ thì cần hợp đồng mua bán nhà hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở là có thể đăng ký thường trú.
Theo nghị định, các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú cần một trong các giấy tờ như đăng ký thường trú. Tuy nhiên, văn bản cho thuê, mượn, ở nhà chỗ ở hợp pháp thì không phải công chứng hoặc chứng thực.
Nếu không có các giấy tờ như quy định, công dân muốn đăng ký tạm trú cần có văn bản cam kết về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và đang sinh sống ổn định, lâu dài, không có tranh chấp. Văn bản cam kết này cần có họ tên, ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú, thông tin về chỗ ở đề nghị đăng ký tạm trú và cam kết của công dân.
Ngoài ra, chủ sở hữu cơ sở lưu trú du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, công trình xây dựng, ký túc xá, làng nghề, cũng được phép cho cá nhân được đăng ký tạm trú tại nơi đó.
Luật Cư trú hiện nay quy định, thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại đó. Nếu đăng ký thường trú tại chỗ khác thì cần được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.
Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể gia hạn nhiều lần.
Phạm Dự