Chuyên mục  


Các cuộc biểu tình phản đối tăng thuế đã nổ ra từ tuần trước tại Kenya. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang mạnh chiều 25/6 khi đám đông ném đá vào cảnh sát và xô đổ rào chắn, tiến về khu phức hợp quốc hội, nơi đang bị lực lượng an ninh với trang bị chống bạo động phong tỏa.

Người biểu tình xông vào khuôn viên trụ sở quốc hội Kenya ở thủ đô Nairobi ngày 25/6. Ảnh: AFP

Cảnh sát đã bắn đạn cao su và hơi cay vào đám đông tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội, nơi các nghị sĩ đang thảo luận về một dự luật gây tranh cãi, trong đó có đề xuất tăng thuế.

"Theo quan sát của Ủy ban Nhân quyền Kenya (KHRC), cảnh sát đã bắn 4 người biểu tình, khiến một người thiệt mạng", KHRC cho biết trên mạng xã hội X.

Trước đó không lâu, Irungu Houghton, giám đốc điều hành Tổ chức Ân xá Quốc tế Kenya, nói với hãng thông tấn AFP rằng "các nhà quan sát nhân quyền đang báo cáo về việc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia ở thủ đô Nairobi tăng cường sử dụng đạn thật".

"Đảm bảo di chuyển an toàn để các nhân viên y tế chữa trị cho nhiều người bị thương hiện là điều cấp thiết", ông nói thêm.

Cơn tức giận về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Kenya đã bùng phát thành các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Cơ quan Giám sát Chính sách Độc lập và các nhóm nhân quyền cho biết hai người đã chết sau các cuộc biểu tình hôm 20/6 ở Nairobi.

Một số nhóm, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế Kenya, cho hay ít nhất 200 người bị thương trong các cuộc biểu tình tuần trước ở thủ đô. Tổ chức này hôm nay kêu gọi chính phủ tôn trọng quyền hội họp của người biểu tình.

KHRC còn cáo buộc cảnh sát mặc thường phục đã "bắt cóc người biểu tình" vào ban đêm, kêu gọi nhà chức trách "thả tự do vô điều kiện cho những người bị bắt".

Cảnh sát Kenya chưa bình luận về thông tin trên.

Những người biểu tình cũng áp dụng các chiến thuật mới, như yêu cầu các quán bar ngừng chơi nhạc vào nửa đêm cuối tuần và đám đông tham gia tiệc tùng hô vang khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống William Ruto phải từ chức và bà bỏ dự luật tài chính.

Chính phủ Kenya tuần trước đã đồng ý hủy bỏ một số khoản tăng thuế, song họ vẫn có ý định tăng một số khoản thuế khác, giải thích rằng chúng rất cần để lấp đầy kho bạc quốc gia và giảm tình trạng phụ thuộc của đất nước vào nợ nước ngoài.

Kenya có một núi nợ khổng lồ với chi phí thanh toán tăng vọt do giá trị đồng nội tệ giảm trong hai năm qua, khiến việc trả lãi cho các khoản vay bằng ngoại tệ trở nên đắt đỏ hơn.

nguoi-bieu-tinh-xong-vao-tru-so-quoc-hoi-kenya-1719328904.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DTZyCpF7ElHLXG-WA9ObQg
Người biểu tình xông vào trụ sở quốc hội Kenya

Lửa bốc lên bên trong khu phức hợp quốc hội Kenya ở thủ đô Nairobi ngày 25/6. Video: Citizen TV Kenya

Việc tăng thuế sẽ gây thêm áp lực cho người dân Kenya, bởi những công việc được trả lương cao vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người trẻ.

Sau khi chính phủ đồng ý bãi bỏ thuế đối với việc mua bánh mì, sở hữu ôtô, dịch vụ tài chính và di động, Bộ Tài chính đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt ngân sách 1,56 tỷ USD.

Chính phủ hiện nhắm mục tiêu tăng giá nhiên liệu và thuế xuất khẩu để lấp đầy khoảng trống ngân sách, động thái mà các nhà phê bình cho rằng sẽ khiến cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn ở một quốc gia vốn đã phải gánh chịu lạm phát cao.

Kenya là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Phi nhưng 1/3 trong 52 triệu dân nước này hiện sống trong nghèo đói.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020